Ký ức Trường Sơn!
(BDO) Hôm nay (10-5), Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương tổ chức họp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5-2024). “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, 65 năm đã đi qua, nhưng chiến công của những người đã tham gia mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn luôn được lịch sử khắc ghi.
Những kỳ tích phi thường
Cách đây 65 năm, ngày 19- 5-1959, tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ được phát lệnh mở đường. Từ đó đến ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), đường Trường Sơn đã trở thành con đường huyền thoại của lịch sử dân tộc. 65 năm đã qua nhưng với những người lính Trường Sơn chỉ như mới hôm qua. Ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên chiến sĩ C.200, đơn vị tham gia mở đường Trường Sơn đoạn Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ từ những năm 1959 là người như thế.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương tặng quà tri ân những người lính Trường Sơn
Ông Nguyễn Thanh Tâm kể, phương châm hoạt động lúc đó là “Tuyệt đối bí mật và an toàn, tránh địch lánh dân”, với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Lực lượng ban đầu của Đoàn 559 gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các sư đoàn miền Nam tập kết, chủ yếu của Liên khu 5, rồi tổ chức thành tiểu đoàn vận tải - giao liên, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 301, cùng với một số bộ phận như bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, bảo quản kho, chế biến thực phẩm và một số trợ lý cần thiết ở cơ quan Đoàn bộ. Sau mấy tháng băng đèo, lội suối, soi đường, đặt trạm, mở hành lang. Đến ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên đã giao hàng cho khu 5 tại Tây Trị Thiên, trong sự vui sướng của cả hai bên giao nhận.
...Đường đã mở nhưng đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ vẫn trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng “trắng” chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Vì vậy, ở miền Bắc, một đoàn vũ trang đặc biệt mang tên B.90 được thành lập. B.90 có nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, xây dựng cơ sở và mở đường vào bắt liên lạc với lực lượng cách mạng của Xứ ủy Nam bộ là C.200, C.270 đã được thành lập để soi mở đường nối liền Nam Tây nguyên với Đông Nam bộ, nối thông sự chỉ đạo của Trung ương và sự chi viện của miền Bắc về đến Nam bộ.
Và gần một năm trời mò mẫm xây dựng từng cơ sở, “vạch lá, bẻ cò” soi, mở đường, Đoàn B.90 của miền Bắc và C.200, C.270 ở miền Nam đã bắt liên lạc được với nhau. Ngày 30-10 và ngày 4-11-1960 đã trở thành thời khắc lịch sử của đường Hồ Chí Minh, đặc biệt là đoạn từ Nam Tây nguyên đến Đông Nam bộ. Từ đây chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt, hình thành một vùng chiến lược quân sự, cửa ngõ tiến quân vào Sài Gòn, hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nghĩa tình những người lính Trường Sơn
Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh, cho biết sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất, các chiến sĩ Trường Sơn một phần ở lại quân đội thành lập “Binh đoàn Trường Sơn” (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Binh đoàn 12). Còn lại, hàng triệu bộ đội và trên 3 vạn thanh niên xung phong và gần 1 vạn công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến Trường Sơn đã trở về quê hương sống một cuộc đời bình dị…
Xuất phát từ mục đích xây dựng một “mái nhà chung” cho những người lính Trường Sơn để cùng nhau chia sẻ vui buồn, động viên nhau giữ mãi phẩm chất “bộ đội Cụ Hồ”, ngày 13- 5-2011, Bộ Nội vụ đã ra quyết định cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. 4 tháng sau đó, ngày 22-9-2011 Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Bình Dương được thành lập. Và đặc biệt, Bình Dương là nơi sinh hoạt của Ban liên lạc Đoàn B.90 - Đoàn C.200 - C.270, những cán bộ, chiến sĩ tham gia mở đường đoạn từ Nam Tây nguyên về các tỉnh Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ giai đoạn 1959-1967.
Không chỉ là nơi chia sẻ những niềm vui, ôn lại ký ức của một thời hoa lửa, việc tham gia hội còn giúp các cựu binh Trường Sơn chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Từ thông tin qua tổ chức hội, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được trợ giúp kịp thời. Vì vậy, tri ân nghĩa tình đồng đội là một trong những hoạt động được hội tập trung thực hiện.
Từ các nguồn lực xã hội, vận động từ các nhà hảo tâm... “Uống nước nhớ nguồn”, hội đã tổ chức nhiều chuyến về nguồn, thăm lại chiến trường xưa cho những người lính Trường Sơn, nhất là các thành viên trong Ban Liên lạc truyền thống B.90 - C.200 - C.270. Song song đó, hội luôn dành thời gian quan tâm, thăm hỏi sức khỏe các hội viên đau ốm; thăm hỏi, chia buồn các gia đình có hội viên từ trần; xây tặng nhà tình nghĩa cho gia đình nghèo tại vùng căn cứ kháng chiến ở xã Nam Nung, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) và tổ chức nhiều đoàn thiện nguyện tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng...
THU THẢO