Ký ức sống mãi!
(BDO)
Theo chân cán bộ phường Phú Lợi, TP.TDM, chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Rực (SN 1933). Mẹ lấy chồng năm 21 tuổi, nhưng đến gần 25 tuổi, mẹ mới biết chồng hoạt động cách mạng. Sau đó, người con trai mẹ cũng theo tiếng gọi thiêng liêng lên đường bảo vệ Tổ quốc và hy sinh.
Gặp mẹ Nguyễn Thị Rực, ấn tượng đầu tiên, sâu đậm nhất đối với chúng tôi là sự khí khái, lạc quan yêu đời của mẹ. Những nỗi đau, vất vả của cuộc đời mẹ trong năm tháng chiến tranh được mẹ kể bằng giọng nhẹ nhàng. Mẹ coi chồng, con mẹ lên đường tham gia cách mạng đó là con đường, là sự chọn lựa tất yếu của mọi con dân nước Việt trong thời đất nước có chiến tranh. “Dù năm tháng có làm phai mờ đi tất cả nhưng đối với mẹ chiến tranh, nỗi đau mất chồng, mất con vẫn như mới hôm qua. Những ký ức đó hiện về mỗi đêm như nhắc mẹ nhớ có chiến tranh mới thấy giá trị của hòa bình. Từ đó, mẹ luôn giáo dục con cháu cố gắng, nỗ lực bảo vệ và xây dựng đất nước thêm giàu đẹp”, mẹ nói.
Mẹ Rực coi lại di ảnh con trai Lê Văn Rạng và con dâu Ảnh: T.LÝ
Chồng mẹ, ông Lê Văn Đực (SN 1930) theo cách mạng trước khi lấy mẹ. Ông nói với gia đình đi làm rẫy xa nên ít khi về nhà. Mỗi lần có dịp ghé qua nhà, ông ôm chặt các con vào lòng dỗ dành, nhắc nhở chúng ngoan hiền. Kể về khoảng thời gian đó, mẹ không muốn nhắc lại những khổ cực hay thiệt thòi đã gánh chịu, mà chỉ muốn nhớ về những khoảnh khắc đầm ấm, hạnh phúc mỗi khi gia đình đoàn tụ. Lần lượt 4
Bà Nguyễn Thị Trúc Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lợi, cho biết: Hiện nay, phường đã vận động Công ty Xổ số kiết thiết tỉnh Bình Dương nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời, mỗi tháng 1 triệu đồng. Ngoài ra, những dịp lễ tết, phường còn tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho mẹ. |
người con ra đời, ngày chồng đi xa, mẹ thường tay dắt con lớn, tay ẵm con nhỏ ra đầu đường đứng chờ ba chúng về. Năm 1966, trong trận đánh tại đồn Phú Chánh, ông hy sinh anh dũng. Sau đó, con trai mẹ - liệt sĩ Lê Văn Rạng (SN 1958) cũng tiếp tục khoác áo lính lên đường nhập ngũ. Sau một năm giúp nhân dân Campuchia đánh giặc Pôn Pốt (năm 1979), anh bị thương nặng đưa về điều trị tại Bệnh viện 175. Chấn thương não, sức khỏe yếu, anh trở về quê hương nhưng không thể làm được việc nặng. Lúc này, vợ anh phải gánh vác trách nhiệm trụ cột gia đình. Dù vất vả khó khăn nhưng gia đình anh luôn tràn ngập tiếng cười. Đến năm 1984, vợ anh Rạng qua đời do tai nạn giao thông. Năm 2000, anh cũng mất do vết thương tái phát.
Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, giờ mẹ mất thêm người con trai yêu quý. Không để mình suy sụp, mẹ cố gắng làm mọi việc có thể phụ chị Lê Thị Tư (em gái anh Rạng) nuôi, chăm sóc 3 đứa con anh Rạng. Lúc này, chị Tư đã có 3 đứa con. Hai vợ chồng chị làm đủ việc để cho 6 đứa ăn học, tạo việc làm và dựng vợ gả chồng. Mẹ Rực, bộc bạch: “Tội con Tư lắm! Gia đình mẹ có 4 người con, 1 anh hy sinh, 1 người bệnh chết, còn con Tư và thằng Út. Dù có chồng nhưng con Tư vẫn ở lại chăm sóc mẹ và các cháu. Giờ đứa nào cũng có gia đình riêng.
Mẹ nói, mẹ vui mừng vì cuộc kháng chiến đã thắng lợi, các cháu của mẹ được sinh trưởng và lớn lên trên một đất nước thống nhất, độc lập, yên bình. Mẹ cũng tự hào vì có những người thân hy sinh, cống hiến vì hòa bình độc lập có được hôm nay. Nói về mẹ của mình, chị Lê Thị Tư, cho biết: “Tôi luôn tự hào khi được sinh trong gia đình có ba, anh hy sinh cho cách mạng. Riêng mẹ tôi, tôi học được nhiều từ đức tính một người phụ nữ đảm đang, hiền lành, chịu khó. Ba mất, một mình mẹ gồng gánh nuôi các con và gia đình chồng. Đến giờ khi trở về ngôi nhà xưa ở Phú Mỹ, gặp ai họ cũng đều dành cho mẹ sự nể phục và những lời khen hết mực”.
THIÊN LÝ