Ký ức mùa thu năm ấy… Bài cuối
(BDO) Bài cuối: Bản hùng ca sống mãi
Cách đây 71 năm, ngày 25-8-1945, hơn 5 vạn quần chúng nhân dân trong tỉnh rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền, xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công-nông... Cùng với cả nước, tại tỉnh Thủ Dầu Một, Cách mạng Tháng Tám đã diễn ra thành công nhờ sức mạnh của khối đại đoàn đoàn kết dân tộc, đưa lịch sử của đất nước và địa phương bước sang trang mới…
Diện mạo của Thành phố mới Bình Dương hôm nay. Ảnh: X.THI
Ngày hội đổi đời
Hiện nay, tại khu vực chợ Thủ vẫn còn tấm Bia lưu niệm sự kiện lịch sử ngày 25-8-1945 ghi dấu ngày mà hơn 5 vạn quần chúng nhân dân rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Tại đây, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh đã đọc diễn văn, nêu rõ ý nghĩa cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân Thủ Dầu Một: “Từ nay xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật đã dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông”... Đây chính là minh chứng hùng hồn nhất cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương.
Và với những nhân chứng lịch sử, những người hòa cùng dòng thác người làm nên cuộc cách mạng mùa thu năm ấy sẽ không bao giờ quên thời khắc cả dân tộc thoát khỏi ách lầm than, nô lệ. Rạng sáng ngày 25-8-1945, cuộc biểu dương lực lượng của gần 5 vạn quần chúng nhân dân (2 vạn của thị xã và 3 vạn của các huyện) kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít-tinh, giành chính quyền. Rừng cờ vàng sao đỏ (cờ của lực lượng thanh niên tiền phong lúc bấy giờ) và cờ đỏ sao vàng bay dọc theo 2 phố chợ, mọi người hô vang khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Việt Minh”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm”… 5 vạn đồng bào, cùng lực lượng bán vũ trang họp thành sức mạnh tổng hợp của cuộc tổng khởi nghĩa. Sau cuộc mít-tinh, 5 vạn đồng bào trong tỉnh diễu hành trên khắp đường phố, tiếp tục hô vang khẩu hiệu cách mạng, phân công chiếm công sở, cơ quan còn lại của địch, bắt tay sai phản động. Đến 2 giờ chiều cùng ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền kết thúc thắng lợi cùng với nhân dân Sài Gòn và một số tỉnh khác.
Nhà việc Phú Cường, nơi hơn 5 vạn quần chúng nhân dân trong tỉnh kéo về dự mít-tinh, giành chính quyền vào ngày 25-8-1945. Ảnh: T.L
Nhớ lại giây phút lịch sử đó, ông Nguyễn Hậu Tài, một nhân chứng lịch sử xúc động nói: Bao năm lầm than, khổ đau nên sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn thì không có niềm vui sướng nào bằng. Càng vui sướng hơn khi hàng vạn đồng bào, có cả người Kinh, Hoa kiều, dân tộc thiểu số cùng chung một tấm lòng, một niềm vui mừng ngày chính quyền về tay nhân dân…”. Ông Tài nói, để có được chiến thắng vẻ vang ấy, là cả quá trình chuẩn bị lâu dài và nắm bắt, chớp thời cơ. Khoảng tháng 5-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã chỉ đạo các cơ sở khẩn trương chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa khi thời cơ chín muồi. Từ đó đến tháng 8-1945 là bước phát triển nhảy vọt của phong trào quần chúng ở Thủ Dầu Một với Hội Cứu quốc, lực lượng công nhân, nông dân và các đội tự vệ được thành lập. Hầu hết nhân dân lao động đều tham gia trong đoàn thể quần chúng. Còn cán bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh thì sôi nổi diễn thuyết về chủ trương của Đảng, của Việt Minh. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc dân đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta…”, tình thế cách mạng ở Thủ Dầu Một đã sục sôi.
Đến chiều ngày 24-8, một tổ tự vệ đến cắm cờ trên dinh Chánh Tham biện. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đến Nhà việc Phú Cường để chỉ huy khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng 25, lực lượng tự vệ của công nhân cao su và các huyện trong tỉnh đi về tỉnh lỵ, chia thành nhiều bộ phận đóng ở các nơi để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa. Cùng với các đội tự vệ khởi nghĩa cướp chính quyền, các đoàn thể quần chúng gấp rút sắp xếp tổ chức, đội hình, phân công bảo vệ thôn xóm, đường phố. Nhân dân thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu chuẩn bị cho giờ hành động đã định vào ngày hôm sau. Và ngày hội đổi đời đã đến. Cách mạng Tháng Tám tại tỉnh Thủ Dầu Một thắng lợi đã góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, từ đây, chính quyền thuộc về nhân dân.
Kỳ tích trên vùng đất anh hùng
71 năm trôi qua nhưng tinh thần và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn đang được Bình Dương hôm nay phát huy mạnh mẽ trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Sau ngày đất nước thống nhất, Sông Bé - Bình Dương đã thay da đổi thịt từng ngày. Đặc biệt, sau ngày tái lập tỉnh, Bình Dương nổi lên như một địa phương kiểu mẫu của cả nước về thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Diện mạo đô thị của một tỉnh công nghiệp đã thành.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung với tổng diện tích hơn 10.000 ha được phân bố ở hầu khắp các huyện, thị, thành phố. Nếu như năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh mới đạt 4.000 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3.042 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu đô la Mỹ, thu ngân sách 817 tỷ đồng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước còn khiêm tốn… thì đến cuối năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 217.211 tỷ đồng, tăng gần 50 lần; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 125.747 tỷ đồng, tăng gần 40 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 20,97 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 400 lần; thu ngân sách đạt 36.000 tỷ đồng, tăng hơn 39 lần so với năm 1997. Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo theo tỷ lệ công nghiệp 60% - dịch vụ 37,3% - nông nghiệp 2,7%. Kinh tế phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện.
Có thể nói, kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó chính là thành quả của sự đồng tâm hiệp lực của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, bắt nguồn sâu xa từ những bài học của Cách mạng Tháng Tám. Đây cũng là một kết quả từ tầm nhìn và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, nhất là việc tập trung phát triển hạ tầng làm nền tảng đột phá, đưa công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Phát huy truyền thống và kết quả đạt được, trong thời gian tới, tin tưởng rằng, Bình Dương sẽ viết tiếp những kỳ tích mới để trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.
“Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã làm rạng rỡ thêm truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng nước ta. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Thủ Dầu Một là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị, trui rèn ý chí cách mạng kiên cường của các tổ chức, lực lượng quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là thắng lợi của khối đoàn kết toàn dân, trên cơ sở liên minh công - nông dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. 71 năm trôi qua nhưng giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn sáng mãi…”.
(Ông Nguyễn Hậu Tài)
THU THẢO