Ký ức một thời

Thứ ba, ngày 25/10/2022

(BDO) Như đã thành thông lệ, mỗi năm vào Ngày truyền thống Tình báo quốc phòng Việt Nam (25-10), các cán bộ, chiến sĩ ngành trinh sát - quân báo - biệt động (TS - QB - BĐ) tỉnh Bình Dương lại hẹn nhau họp mặt ở di tích Miếu Ông (phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) để cùng ôn lại kỷ niệm của một thời đạn bom và kể cho nhau nghe những vui, buồn trong cuộc sống hôm nay.

 Các cựu cán bộ, chiến sĩ TS - QB - BĐ tỉnh trong ngày họp mặt

 “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Theo sử sách còn ghi lại, Miếu Ông là công trình tín ngưỡng được người dân xây dựng vào năm 1735 tại ấp Tân Long, xã Tân Hiệp (nay là khu phố Tân Long, phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) bởi lớp cư dân người Việt sinh cơ lập nghiệp trên vùng TX.Tân Uyên làm nơi chiêm bái, cúng kiến cầu cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa. Theo lời kể của ông Trần Xuân Khanh, Trưởng ban Liên lạc TS - QB - BĐ tỉnh Bình Dương, đến năm 1961, từ việc nghiên cứu các lợi thế của Miếu Ông, Tổ TS - QB - BĐ tỉnh chính thức chọn và bố trí hòm thư, cán bộ, trang thiết bị, hầm bí mật tại Miếu Ông để hoạt động.

Miếu Ông trở thành nơi để Tổ TS - QB - BĐ họp và cung cấp những thông tin quan trọng của địch phục vụ cho chiến lược tác chiến của ta, góp phần quyết định cho những thắng lợi trên chiến trường Đông Nam bộ nói chung và chiến trường tại địa phương khi ấy nói riêng. Tại đây, Tổ TS - QB - BĐ tỉnh đã tổ chức khai thác, thu nhận được nhiều thông tin quan trọng, có giá trị chiến lược, như chiến lược quân sự Lai Khê, Bàu Bàng, Phước Thành, Tam giác sắt…, góp phần thay đổi cục diện của ta trên chiến trường, đập tan các cuộc hành quân của địch.

Để tưởng nhớ đến công lao của những anh hùng liệt sĩ ngành TS - QB - BĐ, năm 2013, Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ TS - QB - BĐ tỉnh Bình Dương đã được xây dựng ngay trên mảnh đất chính là khu căn cứ của đơn vị trong thời kỳ chiến tranh - Miếu Ông. Đền là nơi thờ tự 122 chiến sĩ TS - QB - BĐ tỉnh đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ và trở thành nơi họp mặt ngày truyền thống hàng năm của những người TS - QB - BĐ tỉnh năm xưa; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Chứng tích lịch sử hào hùng

Đến với Miếu Ông, bên cạnh tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tham quan gốc cây điệp vàng - hòm thư chết, chúng ta còn được nhìn thấy những tư liệu hiện vật quý, như cặp khăn thêu của bà Văn Thị Phượng, một chiến sĩ giao liên của ngành quân báo. Đó chính là cặp khăn tay bà Văn Thị Phượng thêu trong những năm ở trong nhà tù của địch.

Bà Văn Thị Phượng kể lại, bà tham gia cách mạng từ năm 1966, khi ấy bà 17 tuổi, là giao liên của ngành quân báo, với nhiệm vụ đưa thư từ Hòa Lợi về Bình Nhâm và ngược lại. Đến năm 1971, bà bị chỉ điểm, bắt ở tù. Trong lao tù, bà tiếp tục đấu tranh. Đến năm 1973, bà được trao trả ở Quảng Trị. Hai năm trong tù bà bị địch tra tấn dã man nên sau khi trao trả bà được đưa đi an dưỡng.

Ở phòng truyền thống còn trưng bày những máy móc cũ kỹ mà những gia đình trung lưu ngày xưa hay sử dụng như hệ thống vô tuyến điện sóng ngắn loại máy PRC25, hội thoại HT 10… Ông Ca Văn Ron, nguyên chiến sĩ trinh sát kỹ thuật (TSKT) thuộc Quân báo Phân khu 5, nói vui: “Thời ấy, người ta thường gọi những TSKT chúng tôi là những người ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời. Bằng phương tiện hết sức thô sơ như thế này, dưới những ánh đèn dầu le lói giữa rừng già chiến khu, hay ởmặt trận Bộ Chỉ huy tiền phương trong chiến dịch, bộ đội TSKT đã cung cấp được những thông tin về tình hình địch, ý đồ hành quân của địch ởmặt đất, cũng như xác định tọa độ oanh kích của đối phương, kể cả ném bom rải thảm bằng B52... Từ những thông tin chính xác, kịp thời đã giúp cho bộ đội tránh được những thương vong”.

Ông Trần Xuân Khanh cho biết trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Ban TS - QB - BĐ đã tổ chức nhiều phương thức, vận dụng nhiều biện pháp để nắm địch phù hợp với tình hình địch và trên chiến trường. Ngay từ đầu, đơn vị đã tổ chức cài cắm nhiều TS - QB - BĐ thọc sâu ở các khu vực trọng điểm, vùng sâu, vùng yếu của Lái Thiêu, Châu Thành (nay thuộc TP.Thủ Dầu Một). Trong đó, đơn vị tập trung tổ chức, xây dựng và phát triển nhiều mạng lưới TS - QB - BĐ rộng khắp trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân để điều tra nắm mọi tin tức hoạt động của địch.

Ngoài việc chỉ đạo TS - QB - BĐ nắm chắc tình hình địch, lãnh đạo Ban TS - QB - BĐ còn chú trọng công tác tổ chức, bồi dưỡng huấn luyện lực lượng BĐ để đánh một số mục tiêu nằm sâu trong lòng địch, hoàn toàn do địch kiểm soát bằng những chiến thuật tác chiến đặc trưng riêng của mình, sử dụng lực lượng ít, vũ khí thô sơ, tự tạo nhưng thắng lợi lớn, có tác dụng hỗ trợ cho quần chúng nhân dân đấu tranh gây hoang mang cho địch…

Mỗi năm họp mặt, những mái tóc bạc càng nhiều thêm, số người đến dự lại thưa vắng dần… Chỉ có những tấm huân chương, niềm tự hào của mỗi cựu cán bộ, chiến sĩ ngày nào vẫn rực rỡ trên ngực áo. Họ là những người chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và chấp nhận hy sinh để góp phần đưa Nam - Bắc sum họp một nhà, xây dựng nên truyền thống tự hào của lực lượng vũ trang Bình Dương.

 Để tưởng nhớ đến công lao của những anh hùng liệt sĩ ngành TS - QB - BĐ, năm 2013, Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ TS - QB - BĐ tỉnh Bình Dương đã được xây dựng ngay trên mảnh đất chính là khu căn cứ của đơn vị trong thời kỳ chiến tranh - Miếu Ông. Đền là nơi thờ tự 122 chiến sĩ TS - QB - BĐ tỉnh đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ và trở thành nơi họp mặt ngày truyền thống hàng năm của những người TS - QB - BĐ tỉnh năm xưa; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 THU THẢO