Ký ức gửi lại mai sau…

Thứ tư, ngày 25/12/2024

(BDO) Cứ mỗi năm một lần, cán bộ, chiến sĩ ngành trinh sát - quân báo - biệt động tỉnh Bình Dương, những người được ví là “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”, lại gặp và kể cho nhau nghe những kỷ niệm trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh và cùng động viên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi…

Chốn đi về…

Đền tưởng niệm liệt sĩ ngành trinh sát - quân báo - biệt động (TS-QB-BĐ) tỉnh Bình Dương đặt tại di tích Miếu Ông ở phường Tân Hiệp, TP.Tân Uyên. Theo ông Nguyễn Văn Quỳ (Tư Quỳ), nguyên Đội trưởng Đội biệt động TP.Thủ Dầu Một, Miếu Ông là công trình tín ngưỡng được người dân xây dựng vào năm 1735 bởi lớp cư dân người Việt sinh cơ lập nghiệp trên vùng Tân Uyên. Với vị trí chiến lược quan trọng, gần dân, gần địch, có rừng yểm trợ, dễdàng kết nối và truyền tin nhanh đến với tổ chức…, năm 1961, Tổ TS-QB-BĐ tỉnh chính thức chọn Miếu Ông làm nơi bố trí hòm thư, trang thiết bị, hầm bí mật để hoạt động. Từ đây, nhiều thông tin quan trọng của địch được thu thập, cung cấp phục vụ cho chiến lược tác chiến của ta, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để anh em có chốn đi về, năm 2013, Ban liên lạc TS-QB-BĐ tỉnh chọn Miếu Ông xây đền tưởng niệm để tưởng nhớliệt sĩ TS-QB-BĐ tỉnh, cũng là nơi họp mặt hàng năm của lực lượng. Ông Nguyễn Văn Quỳtâm sự: “Mỗi năm gặp mặt, chúng tôi vui lắm, điểm danh từng người đến dự, xem ai khỏe, ai yếu và ai còn, ai mất… Mỗi năm lại vơi đi một ít…”. Bà Phạm Thị Giác, cựu chiến sĩ quân báo tỉnh, cũng đầy cảm xúc. Bà nói: “Ngày xưa chiến tranh ác liệt, ai còn sống là điều may mắn. Và đến hôm nay, đồng chí, đồng đội còn tìm về với nhau, gặp nhau thì quý gấp ngàn lần” .

Ông Nguyễn Văn Quỳ và kỷ vật được trưng bày trong Phòng truyền thống tại Đền tưởng niệm liệt sĩ ngành trinh sát - quân báo - biệt động tỉnh Bình Dương

Một thời “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”

Mân mê từng kỷ vật ở Phòng truyền thống tại Đền tưởng niệm liệt sĩ ngành TS-QB-BĐ tỉnh Bình Dương, ông Ca Văn Ron, nguyên là chiến sĩ trinh sát kỹ thuật (TSKT) thuộc Quân báo Phân khu 5, cho biết: “TSKT là một bộ phận đặc biệt của cơ quan quân báo trong suốt thời kỳkháng chiến chống Mỹ ở Nam bộ, là tiền thân của Phòng Quân báo Quân khu 7 hiện nay. Ngoài việc cung cấp thông tin về tình hình địch, ý đồ hành quân của địch ở mặt đất, bộ đội TSKT còn góp phần đặc biệt trong việc xác định tọa độ oanh kích của đối phương, kể cả ném bom rải thảm bằng B52, những thông tin mà trinh sát bộ binh hay những đơn vị khác không thể làm được. Đơn vị TSKT đã góp phần giúp cho các phân khu, Bộ Chỉ huy chiến dịch hoạch định những đấu pháp hiệu quả trên chiến trường. Từ những thông tin chính xác, kịp thời đã giúp cho bộ đội tránh được những thương vong”.

Mỗi năm họp mặt, tỷ lệ nghịch với mái tóc thêm nhiều sợi bạc thì số người về dự lại thưa vắng dần. Chỉ có những tấm huân chương, niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ TS-QB-BĐ ngày nào vẫn rực rỡ trên ngực áo. Họ vui mừng, những bàn tay siết chặt khi thấy đồng chí, đồng đội của mình còn khỏe mạnh để được gặp nhau…

Đặc biệt, trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đợt hai, phía Mỹ - ngụy có sự tham gia trực tiếp của B52 rải thảm ở khu vực vành đai Sài Gòn - nơi có các hướng tập kết của bộ đội ta; qua những thông tin từ sóng điện từ, TSKT tiền phương tại mặt trận đã kịp thời phục vụ cho phân khu, Bộ Chỉ huy miền nắm chắc thời gian hành quân, vị trí đổ quân, lực lượng tham chiến và tọa độ oanh kích của địch cho Bộ Chỉ huy tiền phương hoạch định chiến thuật. Nhờ đó, lần đầu tiên ta diệt gọn hai tiểu đoàn địch và đánh diệt hiệu quả nhất tính đến thời điểm đó. Góp công lớn vào chiến thắng này chính là đội TSKT tiền phương đã nắm chắc tình hình địch trong mọi tình huống, từ khi chiến dịch nổ ra đến khi kết thúc.

Ông Ca Văn Ron nói vui: “Thời ấy, người ta thường gọi những TSKT chúng tôi là những người ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời. Bằng phương tiện hết sức thô sơ, dưới những ánh đèn dầu le lói giữa rừng già chiến khu, hay ở mặt trận Bộ Chỉ huy tiền phương trong chiến dịch, đều có sự tham gia nắm tình hình địch của người lính TSKT. Chính từ những ánh đèn khuya leo lắt giữa rừng trong mọi hoàn cảnh, họ đã giúp cho Bộ Chỉ huy chiến dịch có những thông tin quý giá. Đây cũng là một lợi thế trong tác chiến, đặc biệt là chiến tranh đối trọng với lực lượng cơ động và tác chiến hiện đại. Những chiến sĩ TSKT đã cung cấp cho phân khu, Bộ Chỉ huy miền những tin tức mà có thể phải đánh đổi bằng hàng ngàn sinh mạng, nếu không nắm chắc địch tình trong mỗi trận hành quân, ném bom của đối phương khi phát hiện vùng mục tiêu oanh kích”. 

THU THẢO

Từ khóa: