Ký ức đường Trường Sơn huyền thoại
> Bài 2: Bản hùng ca mang tên Đoàn B.90
> Bài 3: Đoàn C.200: Soi đường lên Tây nguyên
Bài cuối: Đắc R’Tih - Dấu ấn mãi không phai
Ngày này cách đây tròn 53 năm (30.10.1960 - 30.10.2013), 2 Đoàn B.90 và C.200 gặp nhau tại vàm Đắc R’Tih, rừng Bu Sa Ya (tỉnh Đắc Nông ngày nay), khai thông tuyến đường hành lang huyền thoại, nối thông đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây nguyên đến miền Đông Nam bộ. Từ đây, lịch sử cách mạng miền Nam đã sang trang mới, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975.
Các cán bộ, chiến sĩ về thăm lại vàm Đắc R’Tih nơi 2 đoàn B.90 và C.200 gặp nhau
Ký ức còn mãi
Trong những ngày tháng 10- 1960, những cơn mưa cuối mùa thưa dần, nước sông từ từ hạ thấp, bớt chảy xiết. Đoàn C.200 đóng quân ở rừng Bu Sa Ya vừa tổ chức vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân giác ngộ cách mạng, vừa tiếp tục tổ chức trinh sát, tìm kiếm dấu vết của Đoàn B.90. Lần này, tổ 3 người gồm Nguyễn Thanh Tâm, Huỳnh Văn Cột, Hồ Minh Tư mang theo mỗi người 5kg gạo, muối vượt sông sang rừng vàm Đắc R’Tik để tìm cán bộ, chiến sĩ Đoàn B.90. Về phía mũi xung kích của Đoàn B.90, sau sự kiện chiến sĩ Trần Văn Thời hy sinh vì nước lũ cuốn trôi đã tạm thời lui về căn cứ bàn đạp Bu Sa Ya báo cáo tình hình, rút kinh nghiệm và chờ đoàn C.200 ra. Tại đây, Ban cán sự B4 cho biết, tổ trinh sát của Đoàn C.200 đã đến sát vàm Đắc R’Tih. Ngay khi nhận được thông báo, 3 người của mũi trinh sát gồm Phạm Văn Lạc, Hoàng Văn Đỏ và Phạm Văn Nhường đã tức tốc lên đường đi trong đêm để đến nơi hẹn.
Đến ngày 30-10-1960, mũi phía Nam Đoàn C.200 gạo sắp hết chỉ còn đến sáng hôm sau, vì vậy 3 ông quyết định trở về đoàn. Nhưng may mắn là chiều hôm ấy, các ông đã câu được con cá lóc khoảng 300 - 400g nên quay trở lại nơi có dấu vết để chuẩn bị bữa cơm chiều. Trong khi đang nấu cơm thì các thành viên của Đoàn B.90 đến. “Phát hiện nơi mình nghỉ có người căng nylon, cột võng nên ông Lạc và ông Đỏ dừng lại cảnh giới, còn ông Nhường tiến vào quan sát tình hình. Khi còn cách khoảng 3 - 4m, ông Nhường đạp phải ống lồ ô khô. Nghe tiếng động, ông Tư đang nhóm bếp, nhanh như cắt chụp lấy súng chĩa thẳng ra hướng có tiếng động. Ông Tâm và ông Cột nằm trên võng lăn ngay xuống đất, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu”, ông Tâm nhớ lại.
Ông Nhường thì kể: “Linh tính như mách bảo đây là anh em mình nên tôi liền nói lớn: “Đừng bắn, là anh em miền Bắc soi đường về đây”. Các anh miền Nam hình như cũng vậy nên đều hạ súng xuống. Hai bên gọi tên trưởng đoàn của nhau và chạy đến ôm chầm lấy nhau, mừng đến rơi nước mắt. Thời khắc ấy là lúc 16 giờ. Đêm đó, 6 anh em đã nấu đủ mỗi người một lon gạo để liên hoan. Thêm một đêm mất ngủ, các anh kể cho nhau nghe về chuyện nhân dân miền Nam đấu tranh đầy gian lao, ác liệt để chống Mỹ - Diệm; chuyện nhân dân miền Bắc xây dựng đất nước; chuyện bộ đội miền Nam tập kết sống trong lòng nhân dân miền Bắc…”.
Sáng ngày 1-11-1960, 6 cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức vượt sông về địa điểm C.200 đang đóng quân ở gần buôn Bu Sa Ya. Trong lúc vượt sông, ông Nhường và ông Lạc tuy biết bơi nhưng lâu ngày gian khổ, sức yếu nên bị nước cuốn trôi. May lúc đó ông Tư và ông Cột có mặt cứu kịp thời nên 2 người bình an, rồi đoàn tiếp tục cuộc hành trình. Về đến Bu Sa Ya, đêm đến, những câu chuyện trong Nam, ngoài Bắc kéo dài đến tận khuya.
Sau khi tin mừng báo về Khu ủy miền Đông Nam bộ, Khu ủy liền gửi điện chỉ đạo C.200 cử ông Đỗ Giáp Xuân đi cùng bộ phận phía Bắc về tỉnh Quảng Đức; đồng thời, đưa người của bộ phận phía Bắc về căn cứ Bu Gor chờ chỉ thị của Xứ ủy. Chấp hành lệnh, ông Xuân cùng ông Lạc, ông Đỏ ra Bu Sa Ya gặp trưởng đoàn B.90, còn ông Nhường đi cùng mấy anh Đoàn C.200 về căn cứ Bu Gor. Mấy ngày sau, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy, trưởng đoàn C.200 Nguyễn Hồng Sơn cùng ông Nhường ra Quảng Đức trao đổi với địa phương về xây dựng hành lang đón cán bộ, chiến sĩ tập kết về.
Khai thông đường Trường Sơn
Đoàn cán bộ đầu tiên của Trung ương chi viện về Nam bộ có phiên hiệu là B.60 do các ông Tăng Thiên Kim, Đặng Ngọc Sĩ và Nguyễn Văn Ba chỉ huy. Đoàn có 25 người đủ các thành phần bộ binh, pháo binh, tăng thiết giáp, đặc công, thông tin, quân y. Cuối tháng 9-1960, đoàn đã đến Bắc Đắc Mil, căn cứ của B4. Trong khi chờ mở đường, các cán bộ, chiến sĩ đã tham gia lao động, tuốt lúa với nhân dân và đi vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, thực phẩm cho B4 do tổ hoạt động hợp pháp ở Buôn Mê Thuột chuyển ra qua cửa khẩu quốc lộ 14.
Mấy mươi năm trôi qua, những thanh niên trai tráng thời đó giờ đã thành các cụ, người trẻ nhất trong đoàn tuổi cũng đã hơn 70. Nhưng mỗi khi có dịp gặp lại, với mỗi người sự kiện đáng nhớ thuở nào như vừa mới diễn ra, cảm giác vui sướng dâng trào vẫn còn đọng mãi. “Ngày trước 2 tổ có 6 người làm nhiệm vụ, hôm nay gặp lại chỉ còn 4 người, tất cả đều sinh sống tại Bình Dương. Lâu lâu chúng tôi lại có dịp gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm một thời khó khăn, ác liệt nhưng đầy hào hùng”, ông Phạm Văn Nhường xúc động nói.
Sau khi cử 5 cán bộ cùng đi với đội 2 (đội hoạt động theo hướng từ N’Đru, Đắc Rồ có nhiệm vụ dựa vào bàn đạp buôn Bu Đjră phát triển cơ sở xây dựng vùng Nam Đắc Mil, hướng tây tỉnh Quảng Đức, móc ráp liên lạc vùng tây bắc huyện Kiến Đức) của Đoàn B.90 để móc nối liên lạc với lực lượng mở đường từ phía Nam, tại trụ cây số 4 đường Đắc Song - Gia Nghĩa vào tối 4-11-1964. Đoàn cán bộ quân sự trung cao cấp của Bộ Quốc phòng chia làm 2 bộ phận. Một bộ phận do ông Sĩ phụ trách, đi theo đường hành lang mới mở ở phía đông tỉnh Quảng Đức, vào căn cứ Đoàn C.200 ở Lâm Đồng và về Chiến khu Đ. Một bộ phận do ông Kim phụ trách, đi theo đường hành lang mới mở xong ở phía tây Quảng Đức vào tỉnh Phước Long và về Chiến khu Đ.
Như vậy, con đường mới mở từ đầu mối ở bờ sông Srê Pốc của Đắc Lắc vào đến căn cứ Nam Nung của B4 (tức Quảng Đức) chia thành 2 con đường hành lang về Nam bộ ở đông và tây tỉnh Quảng Đức. Đoàn cán bộ quân sự trung cao cấp của Bộ Quốc phòng chi viện cho lực lượng vũ trang Nam bộ là đoàn đầu tiên đi trên con đường hành lang nối liền Nam Tây nguyên với miền Đông Nam bộ mới mở xong. Ngày 20-12-1960, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra mắt quốc dân đồng bào, đoàn cán bộ quân sự chi viện từ miền Bắc đã có mặt trong thời điểm lịch sử đó.
Trải qua gần 1 năm, Đoàn B.90, Đoàn C.200 và các lực lượng tham gia mở đường hành lang chiến lược mang tên Hồ Chí Minh cuối dãy Trường Sơn, nối liền Nam Tây nguyên với Đông Nam bộ mới hoàn thành. Vượt qua bao gian lao vất vả, thiếu cơm lạt muối; có đơn vị bị địch bao vây bắt hụt; có người bị nước lũ cuốn trôi… nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên trì tìm mở đường, xây dựng căn cứ địa, xây dựng cơ sở, từng bước tạo lập một hành lang vận tải chiến lược trong thời điểm cách mạng miền Nam đang chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Thành công của Đoàn B.90, Đoàn C.200 và các đơn vị tham gia mở đường đã góp phần khai thông con đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây nguyên về Nam bộ, chấm dứt tình trạng chiến trường bị chia cắt và mở ra một vùng rộng lớn, tạo thành căn cứ địa cách mạng vững chắc.
THU THẢO