Ký ức cầu Mường Thanh và chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ hai, ngày 06/05/2013

59 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng, vẻ vang về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên...

Những trận đánh anh dũng kiên cường trên chiến trường Điện Biên Phủ năm ấy luôn là hồi ức đẹp theo suốt cuộc đời Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp. Những ngày này, trong không khí tưng bừng kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông lại cùng đồng đội ôn lại hào khí ấy trong tâm trạng bồi hồi xúc động.

  Cầu Mường Thanh hôm nay

Năm nay đã 82 tuổi nhưng bác Chấp vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hiện bác cùng gia đình sinh sống ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Bác Chấp là một trong số  ít những cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại Tp Điện Biên còn khỏe mạnh như thế.

Quê ở Phú Thọ, bác Chấp đi bộ đội năm 1949. Năm 1954 Bác tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, bác Chấp là khẩu đội trưởng cối 82 thuộc đại đoàn 312. Với nhiệm vụ được giao chặn đầu cầu Mường Thanh, phía Đông không cho quân địch tiếp tế lương thực, thực phẩm, súng đạn vào trung tâm qua cầu Mường Thanh. Cây cầu Mường Thanh lúc đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng với quân địch.

“Ban ngày địch ở trung tâm đưa súng đạn, lương thực thực phẩm sang tiếp viện cho phía Đông, đồng thời chúng chở thương binh, lính chết trận về. Nhiệm vụ của chúng tôi là khi địch xuất hiện bắn không cho sang. Chúng làm cầu gỗ để phòng khi ta bắn hỏng cầu Mường Thanh thì đã có cầu gỗ. Địch gọi cầu Mường Thanh là cuống họng, vì cầu gỗ ta bắn hỏng, chỉ còn độc nhất cây cầu đó”, Bác Chấp nhớ lại.  

Ngày 13-3-1954, bác Chấp được tham gia đánh trận mở màn Him Lam, đêm 30-3 tiếp tục đánh đồi D1, sau đó chuyển sang củng cố trận địa trên đồi E. Vậy là bác cùng đồng đội ở trên đồi E tròn 1 tháng 4 ngày, tức là từ 3-4 đến ngày chiến thắng 7-5. Nhớ lại khoảng thời gian trên đồi E, bác Chấp không sao quên được cảnh thiếu thốn đủ thứ, nhưng với tinh thần của người lính Cụ Hồ, quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để chiến đấu.

Bác Chấp kể: "Ở trên trận địa cực khổ, không có nước và thiếu thốn đủ thứ. Mỗi một ngày, anh nuôi mang lên cho 2 nắm cơm và 1 bi đông nước, lúc nào không có bom đạn ném xuống thì anh em ăn. Nhưng có lúc đang ăn mà bắt được mục tiêu, mình bắn địch, địch lại bắn trả. Hoặc đang ăn thế này, đơn vị mình không bắt được mục tiêu, nhưng các khẩu đội bạn bắt được mục tiêu nên bắn, địch lại bắn lại, mình đang ăn lại bỏ dở. Như thế suốt 1 tháng 4 ngày. Còn nước mỗi ngày chỉ có 1 bi đông nên chỉ đủ uống, có lúc không đủ uống còn nói gì chuyện rửa mặt, đánh răng hay tắm giặt.

Pháo phản pháo, màu khói đen từ các cuộc pháo phản pháo liên tục tiếp diễn, giữa sự sống và cái chết chỉ là gang tấc nhưng tinh thần, khí thế chiến đấu của anh em không hề nhụt chí.  Lúc bấy giờ biết là giữa cái chết là sống chỉ là gang tấc, không có điểm hẹn, không có thời gian, phút này sống, có khi phút khác chết. Lúc bấy giờ tôi là chính trị viên trong chi bộ của đại đội này cho nên cũng xác định được và đồng thời anh em cũng yên tâm. Có lúc địch phản pháo, chúng tôi tất cả khẩu đội bắn xuống, địch bắn lên từ Hồng Cúm, Mường Thanh bắn lên.

Đúng 8h sáng ngày 7-5-1954, 34 chiến sĩ Đại đội 360 bắt đầu đánh chiếm cầu Mường Thanh, ta với địch giành nhau từng tấc đất. Hoả lực của pháo binh DKZ 57 của ta kịp thời yểm trợ đoàn quân, vượt qua cầu Mường Thanh làm chủ chiến trường. 17 giờ ngày 7-5-1954, một mũi của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 nhanh chóng vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào chỉ huy sở của địch. 17h30 ngày 7-5-1954, Tướng De Castrie và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống. Gần 1 vạn tên xâm lược giơ cao cờ trắng xin hàng, kết liễu số phận đội quân viễn chinh xâm lược.

Nhớ lại thời khắc chiến thắng ấy, bác Chấp xúc động: "Lúc bấy giờ tôi nhảy từ đồi E xuống, tôi đi bộ chạy từ đồi E qua đường 41, chạy từ đấy qua cầu Mường Thanh xuống thấy anh em đang reo hò thu vũ khí của địch. Lúc đấy phấn khởi vô cùng, đời bộ đội mà có chiến thắng thì phấn khởi lắm, không có gì vui mừng bằng".

Giờ đây cầu Mường Thanh vẫn còn khá nguyên vẹn, khẩu trọng liên 4 nòng vẫn còn nằm ngay bên cầu. Mỗi dịp này, hay những ngày rảnh rỗi, vợ chồng bác Chấp lại dạo bộ trên cây cầu này để nhớ về đồng đội, nhớ lại một thời chiến đấu vẻ vang.

Theo TTXVN