Kỹ sư cơ khí... mê làm vườn
Từng tốt nghiệp ở nước ngoài với tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy, nhưng đến khi về nước, ông Trần Văn Phú (ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo) lại không tiếp tục với nghề kỹ sư mà lại đi gắn bó với cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và gặt hái nhiều thành công. Ông Phú bên vườn cây ăn trái của gia đình
Đam mê trồng trọt
Mười năm sinh sống, học tập và làm việc tại Tiệp Khắc (cũ) hứa hẹn cho ông Phú một tương lai vững vàng. Thế nhưng, ông Phú vẫn quyết định về nước, đi theo con đường mà ông yêu thích. Trao đổi với chúng tôi, ông Phú cho biết: “Từ hồi còn ở Việt Nam, tôi thích làm vườn, vừa an nhàn vừa thoải mái. Nhưng điều kiện lúc đó chưa cho phép, còn bây giờ, tôi có thể thực hiện ước mơ đó rồi”.
Cũng như bao anh em khác trong khu vực, ông Phú khai hoang đất rừng làm đất canh tác. Khởi nghiệp với 5 ha đất rừng và hơn 50% vốn vay từ ngân hàng, ông bắt đầu trồng cây ăn trái. Ông trồng nhãn theo mô hình vườn kiểu mẫu đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập đáng kể. Tưởng rằng cái duyên của ông với cây nhãn có thể kéo dài, nhưng thiên tai lũ lụt những năm 1999-2000 đã làm ông tổn thất rất nhiều. Những nguồn lợi mấy năm trước không đủ cho ông Phú bù lỗ cho thiên tai năm đó.
Thất bại với cây nhãn, ông chuyển sang trồng cây ăn quả khác. Với 6 ha đất, ông Phú trồng xen canh cam, quýt với măng cụt và sầu riêng. Mùa vừa rồi, ông thu hoạch được hơn 70 tấn cam và quýt, hơn 20 tấn sầu riêng với măng cụt, mang về cho gia đình đến 1 tỷ đồng. Hiện tại, vườn trái cây của ông đang được chăm sóc đặc biệt để đáp ứng cho thị trường vào dịp tết đến.
Ngoài cây ăn trái, hiện tại, ông có 12 ha cao su mang về cho ông mỗi năm khoảng từ 500 đến 600 triệu đồng. Hơn thế, trên cùng 4 ha cao su 2 năm tuổi, ông trồng xen canh với đu đủ, bí đỏ và cũng mang nguồn thu đáng kể. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phú cho biết: “Nhiều người nói trồng mì mang lại hiệu quả cao hơn, nhưng tôi trồng đu đủ. Năm nay, đu đủ có giá và được mùa hơn khoai mì nhiều”. Năm vừa rồi, ông thu về hơn 200 tấn đu đủ và hơn 40 tấn bí đỏ, mang về cho ông hơn 500 triệu đồng.
Gắn bó với chăn nuôi
Không chỉ tập trung vào cây trồng, ông Phú cũng có niềm đam mê với chăn nuôi. Hiện tại, ông đang nuôi gia công cho Công ty CP Thái Lan với hơn 1.400 con heo thịt, hơn 60 heo nái mang về cho ông thu nhập khoảng hơn 400 triệu đồng mỗi năm. Trại heo của ông được vận hành theo quy trình cách ly và có bác sĩ thú y riêng nên luôn được phòng ngừa trước các dịch bệnh.
Khi được hỏi về cách thức kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, ông Phú cho biết: “Kết hợp mô hình trồng trọt với chăn nuôi là vừa tận dụng những chất thải của chăn nuôi để làm phân bón cho trồng trọt, vừa tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả cao hơn. Phân heo thải ra, tôi cho xử lý, không gây ô nhiễm môi trường rồi đem bón lại cho cao su, đu đủ hay cây ăn quả. Nhờ đó mà cây trồng xanh tốt hơn mà gia đình lại đỡ tiền mua phân bón hơn”. Hiện nay, ông đang có xu hướng mở rộng thêm trại heo gia đình.
Không chỉ tập trung phát triển với chăn nuôi heo, ông còn mở rộng thêm nhiều mô hình chăn nuôi nhím, ba ba, trăn... mang lại nguồn lợi đáng kể. Hiện tại, ông Phú đang nghiên cứu một mô hình nuôi chim yến và chuẩn bị triển khai. Ông cho biết thêm: “Chim yến là con vật dễ nuôi, không cần tốn nhiều công sức. Nhưng khâu quan trọng là phải xây tổ cho đàng hoàng, phải chịu khó đầu tư thì mới mang lại hiệu quả cao”.
Không chỉ tập trung vào làm giàu cho bản thân mà ông Phú còn giúp đỡ nhiều anh em trong khu vực cùng vươn lên. Nói về tương lai, ông Phú chia sẻ: “Tôi chỉ mong làm một người nông dân có một cuộc sống bình thường, chăm lo đầy đủ cho vợ con và có thể giúp được nông dân khác làm giàu. Những thành quả mà tôi đạt được ngày hôm nay không lớn lắm, nhưng tôi hài lòng, vì tôi đã và đang thực hiện ước mơ của mình”.
THÚY NGÂN