Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là để bảo đảm tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật
(BDO) Để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành khai thác khoáng sản hiểu rõ hơn ý nghĩa, mục đích của việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Đinh Sao Mai, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương xung quanh vấn đề này.
Hoạt động khai thác tại mỏ đá Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An
- Xin bà cho biết ý nghĩa, mục đích của việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản?
- Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là việc các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản ký gửi một khoản tiền nhất định, theo một thời hạn nhất định vào quỹ bảo vệ môi trường để bảo đảm trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường với hoạt động khai thác khoáng sản. Mục đích của việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là để bảo đảm tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.
- Quy trình ký quỹ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới thực hiện ký quỹ lần đầu trước ngày đăng ký bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ. Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện ký quỹ lần đầu trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày được phê duyệt phương án, phương án bổ sung. Trường hợp ký quỹ nhiều lần, việc ký quỹ từ lần thứ hai trở đi phải thực hiện trước ngày 31-1 của năm ký quỹ.
Các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, liên hệ Quỹ BVMT để được hướng dẫn thủ tục ký quỹ, thực hiện ký quỹ và gửi thông báo số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường (Mẫu Phụ lục 12 theo Thông tư 38/2015). Quỹ kiểm tra tính chính xác của khoản tiền ký quỹ và cấp giấy xác nhận đã ký quỹ cho tổ chức, cá nhân.
Hồ sơ ký quỹ gồm: Thông báo số tiền ký quỹ (theo mẫu tại phụ lục 12 - Thông tư 38/2015/ TT-BTNMT). Ủy nhiệm chi chuyển tiền (nếu có). Giấy phép khai thác khoáng sản, quyết định gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (nếu có gia hạn). Quyết định phê duyệt phương án cải tạo phục hồi bảo vệ môi trường (phương án)/phương án cải tạo phục hồi bảo vệ môi trường bổ sung (phương án bổ sung). Phương án/phương án bổ sung đã được phê duyệt. Trường hợp không có phương án/phương án bổ sung thì lấy quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản của cấp có thẩm quyền. Lưu ý là sau khi nộp tiền ký quỹ, các doanh nghiệp (DN) cần gửi đầy đủ hồ sơ để được cấp giấy xác nhận đã ký quỹ.
- Tại Bình Dương, việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường được thực hiện ra sao, thưa bà?
- Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang có 58 dự án được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Tính đến thời điểm hiện nay, Quỹ đã tiếp nhận tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 58 dự án của 46 DN với tổng số tiền là 11,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có một số DN chậm trễ việc ký quỹ, quỹ thường xuyên đôn đốc nhắc nhở bằng cách gửi văn bản đến cho DN. Trường hợp DN vẫn không thực hiện thì quỹ sẽ chuyển hồ sơ sang thanh tra sở để xem xét xử lý vi phạm trong ký quỹ.
- Xin bà cho biết khi nào số tiền ký quỹ được sử dụng cho mục đích cải tạo phục hồi môi trường?
- Trách nhiệm của DN là phải cải tạo phục hồi môi trường khi đã hoàn thành việc khai thác khoáng sản. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản và có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.
- Vậy khi nào thì DN được rút ra số tiền này, thưa bà?
- Việc hoàn trả khoản tiền ký quỹ được thực hiện trên cơ sở tổ chức, cá nhân đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt. Đồng thời, DN phải gửi kế hoạch rút tiền ký quỹ cho quỹ trước ba tháng để quỹ kịp thu xếp hoàn trả tiền gốc và lãi theo quy định. Tổ chức, cá nhân chỉ được rút tiền lãi một lần sau khi có giấy xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung phương án hoặc phương án bổ sung.
- Xin cảm ơn bà!
PHƯƠNG LÊ