Kỷ niệm một năm ngày mất nhà thơ - soạn giả Kiên Giang
Năm 2008, Sơn Nam (SN 1926) qua đời ở tuổi 84. Sáu năm sau Kiên Giang (SN 1929) ở tuổi 85 cũng “nối gót”. Đôi văn thi nhân, ký giả kỳ cựu, đồng hương ruột rà chí cốt mở mắt chào đời, chôn nhau cắt rốn ở miệt ruộng vườn xanh ngát hữu tình, sông nước bao la phóng khoáng thơ mộng Rạch Giá miền Tây.
(BDO)
Phần mộ Kiên Giang
Kẻ trước, người sau, đôi cánh chim giang hồ, lãng tử, hai linh hồn huynh đệ. Hạ cánh ngàn thu, lăng mộ thi thể đầm ấm an giấc, nằm cạnh nhau trên con đường nghệ sĩ Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.
Trái tim là một con tàu suốt/ Chẳng có sân ga trạm cuối cùng (Kiên Giang).
Năm 2014, vào những tháng ngày ở tuổi ngoại bát tuần, Kiên Giang được Công ty Cổ phần ĐTXD Chánh Phú Hòa tặng cho một sanh phần, song mộ Sơn Nam. Bấy giờ Kiên Giang cũng đã ốm bệnh liên miên, được Bệnh viện Y học cổ truyền Bình Dương đem về an dưỡng điều trị. Sau thời gian sức khỏe ổn định, Kiên Giang về TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang sống với con gái.
Kiên Giang thuộc diện tài hoa, đẹp trai, nhạy cảm mủi lòng. Hồn thơ xao xuyến rung động chơn chất. Sống dung dị gần gũi, ánh mắt chứa chan trước mọi luống cảnh, tình đời… Lúc về già, tấm lòng nhân hậu càng lớn. Khuôn mặt vẫn đẹp như thuở nào, bởi đường nét cái tâm, cái đức trong nhân cách thể hiện thần thái lên con người.
Thân già, sức yếu về Long Xuyên sống trong vòng tay cận kề của con gái mà lúc mất lại ở TP.Hồ Chí Minh. Ấy là trái tim nhân hậu đã đến “sân ga cuối cùng”. Vào những ngày cuối tháng 10 năm ấy, đọc tin trên báo Tuổi Trẻ về một vụ tai nạn giao thông đau lòng. Những giọt nước mắt lăn dài trên gò má thi nhân đã dốc hết tiền lương hưu 3 triệu đồng, con gái góp thêm 2 triệu đồng để Kiên Giang mang vào bệnh viện Long Xuyên cứu giúp nạn nhân. Nhưng cha con nạn nhân đã chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh. Kiên Giang không chịu chuyển khoản số tiền 5 triệu đồng theo lời khuyên của con gái để ở nhà nghỉ cho yên tấm thân già. Mà ông xót xa, nóng lòng tức tốc lên TP.Hồ Chí Minh để đến Tòa soạn báo Tuổi Trẻ nhờ trao tặng những bức tâm thư và số tiền cứu trợ, chia sẻ khổ đau.
Đến TP.Hồ Chí Minh buổi sáng ngày 28-10-2014, Kiên Giang ở nhà người cháu bên cầu Chữ Y. Trưa cùng ngày xảy ra cơn đột quỵ, Kiên Giang được đưa vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cứu chữa, nhưng 6 giờ 30 phút ngày 31- 10-2014 ông đã trút hơi thở cuối cùng “Hoa trắng đã thôi cài trên áo tím”. Sau những ngày tang lễ xong, con gái nhà thơ, Trương Thị Ngọc Thùy đem toàn bộ số tiền cứu trợ đến báo Tuổi Trẻ nhờ trao tặng cho cha con nạn nhân theo ý nguyện Kiên Giang.
Bút danh Kiên Giang lấy tên quê hương. Tên thật là Trương Khương Trinh, sinh tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang ngày nay). Ông còn các bút danh khác như Hà Huy Hà - Ngân Hàm nổi tiếng từ năm 1955 ở miền Nam. Ngoài làm thơ ông còn soạn bài vọng cổ, viết tuồng…
Vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa - Người vợ không bao giờ cưới tức Sơn Nữ Phà Ca” và cả trăm bài vọng cổ. Ông còn là ký giả sân khấu kịch trường của nhiều tờ báo Sài Gòn xưa như: Tiếng Chuông, Lẽ Sống, Điện Tín, Lập Trường… Bút danh Hà Huy Hà làm say đắm lòng người, nhất là giới mê cải lương.
Giới cầm bút nói cặp Kiên Giang - Sơn Nam là “đặc sản Nam bộ”. Lời thơ ý văn, các tác phẩm mộc mạc mà sâu lắng, hiện thực gần gũi, đọng mãi mọi tầng lớp con người trong xã hội. Hai đồng hương, đồng chất sinh thời chúng ta đã từng quen hiểu, sống xuề xòa, giản dị. Kiên Giang thích đi “la cà”, Sơn Nam thì thích “cuốc bộ”. Ăn uống bình dân dễ dải, không bia rượu bê tha nhưng cả hai đều ghiền thuốc lá.
Sáu năm qua, lúc còn sống, cứ đến ngày giỗ Sơn Nam, tại nhà lưu niệm ở Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hay ở Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương - nơi yên nghỉ của Sơn Nam, các báo chí, đài truyền hình, Nhà xuất bản Trẻ, đông đủ mọi giới anh chị em văn nghệ sĩ thập phương quy tụ về nhưng nhà thơ Kiên Giang chính là nhân vật lão làng. Ông được trịnh trọng mời làm chủ tế.
Trước ống kính, cây bút của các phóng viên, biên tập truyền thông. Ông đứng lên, gương mặt trầm buồn, lời lẽ ấm áp truyền cảm, đôi lúc ngấn lệ. Ông kể lại suốt quãng đời qua. Thời ấu thơ ở quê nhà cùng Sơn Nam đi học, tắm sông, bắt cá… Đến tuổi bách niên giai lão, nay cả hai đã lìa đời, tác phẩm của họ có hào quang, họ không hào khí. Chỉ có con tằm vương tơ, bụng để ngoài da, nhất quán thuần túy với kiếp cái nghèo cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.
Thi hữu Kiên Giang qua đời đã giáp năm. Mộ phần Kiên Giang đoàn tụ bên các văn thi nhân nghệ sĩ quá cố, đang nằm an giấc vĩnh hằng. Đời có lắm những trái tim, tâm hồn văn hóa cao đẹp thương cảm vô biên.
ĐÀO TĂNG