Kỷ niệm 67 năm ngày di sản văn hóa Việt Nam (23.11.1945 - 23.11.2012): Bảo tồn và phát huy nguồn vốn quý của dân tộc

Thứ sáu, ngày 23/11/2012

67 năm về trước, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 65/SL - sắc lệnh đầu tiên về công tác bảo tồn bảo tàng (BTBT). Sắc lệnh lịch sử này đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) dân tộc. Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23-11 hàng năm là “Ngày DSVH Việt Nam”.

Sắc lệnh 65 đã khẳng định vai trò to lớn của công tác bảo tồn DSVH trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế sắc lệnh đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho việc hình thành và phát triển của ngành BTBT Việt Nam. Ngày nay, công tác BTBT và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa (DT LS-VH) đã trở thành vấn đề cấp bách của toàn nhân loại. DT LS-VH là bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người và yếu tố có tác dụng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội…  

 Lãnh đạo tỉnh họp kiểm tra công tác trùng tu tôn tạo di tích Địa đạo Tam giác sắt tại Tây Nam Bến Cát

Trong 67 năm qua, nước ta đã xây dựng được một bộ máy quản lý DSVH từ Trung ương đến địa phương và đang từng bước hoàn chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, chuyên môn nghiệp vụ cũng đã được chú ý đào tạo ngay trong thời kỳ chiến tranh. Hiện nay, cả nước có hàng ngàn cán bộ quản lý DSVH, trong đó có nhiều người có học hàm, học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học…

Sau một hành trình dài đầy nỗ lực, đến nay, nhiều DSVH của Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh. Đó là “chiếc chìa khóa vàng” để mở cánh cửa giới thiệu các di sản của Việt Nam với du khách nước ngoài.

Theo số liệu của Cục DSVH, tính đến nay về văn hóa vật thể cả nước có trên 4.000 DT quốc gia. Trong đó có 16 DSVH thế giới, hàng triệu cổ vật, hiện vật có giá trị nằm trong 131 bảo tàng (trong đó có 12 bảo tàng công lập). Nhà nước đã công nhận và tôn vinh 34 DT quốc gia đặc biệt, trong đó năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định xếp hạng 22 DT quốc gia đặc biệt.

Riêng đối với tỉnh Bình Dương, công tác BTBT luôn được sự chú trọng, quan tâm của các cấp, các ngành. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 45 DT LS-VH được xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia và 34 DT cấp tỉnh với đủ 4 loại hình DT về LS-VH, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh… Các DT cấp quốc gia đã và đang tiếp tục được đầu tư trùng tu tôn tạo, bảo quản như chùa Hội Khánh, đình Phú Long, nhà cổ Trần Công Vàng, Trần Văn Hổ… những DT lịch sử cách mạng có quy mô lớn như DT địa đạo Tây Nam Bến Cát, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh… sẽ sớm hoàn thành và đưa vào khai thác phát huy giá trị DT trong thời gian tới.

Đến nay, công tác bảo tàng trên địa bàn tỉnh được đầu tư nghiên cứu sưu tầm và gìn giữ DSVH đã xây dựng được nhiều bộ sưu tập hiện vật quý hiếm có giá trị cao và trên 20.000 hiện vật phong phú về thể loại và đa dạng các loại hình, đáp ứng nhu cầu trưng bày hiện vật phục vụ tốt khách tham quan. Hàng năm, bảo tàng và các DT thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên của các trường đại học trong và ngoài tỉnh.

Ngày 23-11 hàng năm, trên địa bàn tỉnh được tổ chức thiết thực, hiệu quả, bảo đảm các yêu cầu về giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ DSVH của toàn dân, đặc biệt là những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị của các DSVH. Ngày về nguồn 23-11 năm nay Bình Dương tiếp tục triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và “Ngày về nguồn 23-11” với các hoạt động chính như: hội thi “Nhà sử học nhỏ tuổi”, chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi tỉnh Bình Dương”… tổ chức cho học sinh, sinh viên đến học tập ngoại khóa tìm hiểu về DSVH của địa phương, tiếp tục phát động phong trào thi đua trong học sinh, sinh viên gian đoạn 2012-2013…

Trưởng ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh NGUYỄN VĂN THỦY: Trong thời gian qua, công tác trùng tu tôn tạo (TTTT) các DT lịch sử trên địa bàn tỉnh rất được quan tâm. Kinh phí đầu tư cho công tác TTTT và chống xuống cấp được nâng lên, trong năm 2012 chi phí dành cho công tác này là gần 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều dự án TTTT lớn cũng đã được khởi công và đang dần hoàn thiện như công trình: DT Nhà tù Phú Lợi, DT Địa đạo Tam giác sắt, DT Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh và tới đây là DT khảo cổ Dốc Chùa, DT Chiến khu Đ, DT rừng Kiến An… Đây là việc làm có ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị DSVH của dân tộc.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh NGUYỄN VĂN QUỐC: Bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều hiện vật mang giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt là mang nhiều đặc trưng của đất và con người Bình Dương. Vì nhu cầu đòi hỏi chất lượng của du khách tham quan ngày một nâng cao, do đó công tác sưu tầm, bố trí trưng bày và thuyết minh rất được quan tâm. Để nâng cao chất lượng phục vụ, trong năm 2013, Bảo tàng tỉnh đã lập kế hoạch chỉnh trang về nội dung và hình thức trình bày nhằm phục vụ thiết thực hơn yêu cầu của du khách…

 

 BÌNH MINH