Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2010): Một lần đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh nhìn từ bên ngoàiTrong một lần đến Hà Nội, chúng tôi được vinh dự tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (nằm trong quần thể kiến trúc, lịch sử, văn hóa tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam). Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà bảo tàng như một hình vuông đặt chéo góc, mỗi cạnh lớn gần 70m, mang hình dáng một làng Sen. Bảo tàng được khánh thành ngày 19-5-1990, tại số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn chúng tôi được cô hướng dẫn viên bảo tàng đưa tham quan khắp tòa nhà bảo tàng rộng lớn (tổng diện tích sàn hơn 10.000m2), giọng cô hướng dẫn viên ấm áp, truyền cảm giới thiệu khái quát những mốc chính trong quãng đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm ai cũng bùi ngùi, xúc động. Điểm nhấn của bảo tàng là tầng trưng bày gồm 3 không gian chính, gồm: Gian long trọng, gian trưng bày tiểu sử, gian trưng bày các đề mục mở rộng.
Gian long trọng (gian mở đầu) là trung tâm của tòa nhà, trang nghiêm và giản dị. Tại đây có bức tượng đồng toàn thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư thế đứng giơ tay như chào mọi người đến thăm; bức tượng cao 3,5m, đặt trên bệ cao 60cm, phía sau tượng là những bức phù điêu khắc họa truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam.
Từ gian long trọng, chúng tôi rẽ phải tham quan phần trưng bày tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây nổi bật là hai bức bình phong chạm gỗ thể hiện câu nói nổi tiếng của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đai tiểu sử (phần trưng bày) là không gian chính trưng bày các tài liệu, hiện vật phản ánh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 8 chủ đề (giai đoạn), bao gồm từ khi chào đời (1890) đến 1910, tái hiện quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; (1911-1920) quãng đường Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều nước, cuộc sống và quá trình nghiên cứu học tập tìm con đường giải phóng dân tộc; (1920-1924) hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp và Liên Xô (cũ), những cống hiến và lý luận của Người về vấn đề dân tộc, thuộc địa; (1924-1930) thời gian truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị về tư tưởng chính trị, tổ chức, để sáng lập chính đảng giai cấp công nhân VN. Giai đoạn 1930-1945, hoạt động sôi nổi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện ĐCSVN, sáng lập Mặt trận Việt Minh và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trực tiếp lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng 8-1945, sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. 1945-1954, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương ĐCSVN, thông qua sách lược đúng đắn, tài tình, xây dựng củng cố chính quyền non trẻ, lãnh đạo nhân dân Việt Nam kháng chiến thắng lợi chống thực dân Pháp. 1954-1969, giới thiệu hoạt động Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị hợp tác với các nước XHCN anh em và bạn bè thế giới.
Sau cùng phần trưng bày tiểu sử là những ngày cả nước để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế giới chia sẻ nỗi đau buồn với nhân dân ta... Ngoài ra, còn có đai trưng bày phần nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong sổ vàng của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong một lần đến thăm G.S Trần Văn Giàu đã trân trọng viết, như sau: “Cụ Hồ là một nhà yêu nước, một nhà cách mạng, một nhà tư tưởng chính trị và triết học lớn. Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh nói lên được tư tưởng chính trị và triết học của Cụ Hồ. Dân tộc Việt Nam tự hào có một vĩ nhân của nhân loại. Trong tương lai vấn đề độc lập dân tộc nổi lên bao nhiêu thì tư tưởng Cụ Hồ càng sáng tỏ bấy nhiêu”. Nhiều vị khách nước ngoài đánh giá cao tính giáo dục của bảo tàng, một vị khách viết: “Bảo tàng Hồ Chí Minh như một tượng đài Hồ Chí Minh sống mãi!”.
Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ hơn 120.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, học tập tư tưởng, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bồi dưỡng các thế hệ người Việt Nam kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
THÁI KHOA