Kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: Còn mãi khí phách một thi tướng tài ba

Thứ bảy, ngày 15/02/2014

Những ngày này, nhiều nơi đang diễn ra các hoạt động kỷ niệm nhân 100 năm ngày sinh (1914-2014); 37 năm ngày mất (1977-2014) của Anh hùng Lực lượng vũ trang, nhà thơ - chiến sĩ cách mạng Huỳnh Văn Nghệ. Tất cả được tổ chức trong không khí trang trọng, gợi nhớ về vị thi tướng tài ba…  

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và con trai Huỳnh Văn Nam lúc còn nhỏ

Đôi nét cuộc đời thi tướng

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), trong một gia đình nghèo. Gia đình ông lập nghiệp ở vùng Tân Uyên. Thân phụ của ông là ông Huỳnh Văn Tờn, từng học võ và biết chữ Nho. Thân mẫu ông là bà Đoàn Thị Hiển, sinh năm Canh Thìn (1880), làm nghề gánh hàng bán cau khô, vải…

Huỳnh Văn Nghệ là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con (hiện nay còn 5 người) nên còn gọi là Tám Nghệ. Tuy nhà nghèo nhưng ông được hưởng một nền giáo dục rất tốt, được cha dạy dỗ căn bản cả văn lẫn võ, được gia đình chăm lo ăn học đến nơi đến chốn.

ĐỒNG NAI: Nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ

Trung tâm Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai) đã có buổi triển lãm hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp, sinh hoạt chuyên đề “Huỳnh Văn Nghệ - Nhà thơ, chiến sĩ tài ba”. Cũng trong dịp này, sáng 13-2-2014, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức lễ khởi công dựng tượng Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tượng có chiều cao hơn 3m, được tạc từ chất liệu đá xanh nguyên khối có trọng lượng gần 10 tấn. Sau khi hoàn thành, công trình này sẽ được đặt tại khu vực Công viên Vườn tượng Văn miếu Trấn Biên.

 

Từ nhỏ, ông ảnh hưởng tinh thần yêu nước của gia đình. Khi học bậc trung học tại trường Pétrus Ký tại Sài Gòn, ông thường xuyên có thái độ bài thực dân Pháp và có thể đã có những tiếp xúc đầu tiên với những người cộng sản. Sau khi tốt nghiệp với bằng Thành chung vào năm 1932, ông làm công chức tại Sở Hỏa xa Đông Dương (Sài Gòn). Thời gian này, ông được các cán bộ cộng sản vận động, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội vào năm 1936, bắt đầu làm thơ, viết báo (tiếng Việt, tiếng Pháp) đăng trên các báo ở Sài Gòn với bút danh Hoàng Hồ. Năm 1937, ông được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất. Năm 1940, Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra và bị chính quyền thực dân đàn áp khốc liệt. Do việc thường xuyên tiếp tế cho một bộ phận nghĩa quân rút về lập căn cứ ở Tân Uyên, năm 1942, ông bị phát hiện và bị truy bắt, ông kịp đào thoát sang Thái Lan. Tại đây, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tiếp sau đó là những năm tháng hoạt động quân sự tại miền Đông Nam bộ…

Ngày 25-10-1945, giặc Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Ngày 22-10 Ủy ban Kháng chiến miền Đông rút ra Xuân Lộc, Phan Thiết. Một bộ phận 40 người và 30 súng trường do ông chỉ huy trở về Tân Tịch, ấp Đất Cuốc, huyện Tân Uyên dựa vào rừng quê hương làm căn cứ xây dựng lực lượng chống thực dân Pháp, gọi là bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, vận động nuôi ăn cho đơn vị tỉnh và bộ đội các tỉnh bạn về đây theo lệnh của Khu trưởng Nguyễn Bình, bảo vệ Khu bộ, tiếp liệu cho các công binh xưởng của khu. Không bao lâu, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ vững mạnh nhất ở Nam bộ. Năm 1950, sau khi sáp nhập khu Sài Gòn - Chợ Lớn vào khu 7, Huỳnh Văn Nghệ là Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 7. Sau đó làm Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Biên. Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong quân đội với hàm Thượng tá, Trưởng phòng Thể dục thể thao, Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam… Năm 1965, ông về miền Nam tham gia chống Mỹ, tham gia công tác tại Trung ương Cục miền Nam, giữ các cương vị Trưởng ban Căn cứ, Phó ban Kinh tài và Trưởng ban Lâm nghiệp. Sau khi đất nước thống nhất, ông là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ông lâm bệnh và mất tại TP.Hồ Chí Minh ngày 5-3-1977. Ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Những bài thơ để đời…

Ông Huỳnh Văn Nam, trưởng nam của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, nguyên là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM cũng như bạn bè ông cho biết đã rất cảm động khi phát biểu trong buổi lễ vào tối 11-2-2014 dịp UNESCO trao bằng vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc 2 câu thơ nổi tiếng của Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Đó cũng là 2 câu thơ nổi tiếng nhất, được nhiều người ưa thích nhất trong sự nghiệp thi ca của Huỳnh Văn Nghệ. Ông Huỳnh Văn Nam còn cho biết nhiều lần cảm động khi nghe mọi người thuộc, đọc thơ của thân phụ ông như những bài “Tiếng hát quốc ca”, “Nhớ cái chết của anh Xiểng…”.

Ông Huỳnh Văn Nghệ còn được người miền Nam tặng cho danh hiệu “Thi tướng rừng xanh” bởi tài làm thơ hay, dễ đi vào lòng người. Với ông, gươm và bút luôn song hành: “Tôi là người lăn lóc giữa đường trần / Không phân biệt lúc mài gươm múa bút / Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực / Còn yêu thương là chiến đấu không thôi / Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi / Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác / Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát / Lòng ta say chiến trận đến thành thơ”…

Sự nghiệp sáng tác của ông có thể kể đến với gần 50 bài thơ được chọn in trong tập Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, NXB Đồng Nai, 1998. Ngoài ra ông còn viết truyện ký, tự truyện được tập hợp trong hai tập sách “Quê hương rừng thẳm sông dài” và “Những ngày sóng gió”… Tháng 12-2006, các tập thơ “Chiến khu xanh”, “Bên bờ sông xanh”, “Rừng thẳm sông dài” được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Nhà Lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ, thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng là nơi giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước của một Anh hùng Lực lượng vũ trang, một người con ưu tú của Bình Dương…

Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: “Bình Dương tự hào có những người con như ông”!

Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là bạn chiến đấu cùng thời với thân phụ tôi. Đó là một thế hệ chiến đấu quên mình trong hai cuộc kháng chiến cho độc lập dân tộc mà chúng ta, những người thế hệ sau phải trân trọng, ghi nhận. Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ được Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu giao lập khu nghĩa quân Đất Cuốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa (nay là Bình Dương). Ông còn được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông và nhiều trọng trách khác cho đến ngày mất. Là người Bình Dương, tôi luôn tự hào về vị tướng vừa giỏi sáng tác thơ văn, vừa chiến đấu anh dũng như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Nhạc sĩ VÕ ĐÔNG ĐIỀN, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: “Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ khích lệ tinh thần sáng tác của văn nghệ sĩ”

Ở Bình Dương có đường Huỳnh Văn Nghệ, một ngôi trường ở huyện Tân Uyên cũng mang tên ông và riêng hoạt động văn học có giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ được tổ chức 5 năm một lần. Đây là giải thưởng lớn của UBND tỉnh, ủy nhiệm cho Hội VHNT thường trực Ban tổ chức, có hội đồng giám khảo chấm điểm, trao giải từng thể loại. Chúng tôi cũng đang vận động sáng tác về các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ lần thứ V (2010-2015)… Cuộc thi dành cho văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia. Chúng tôi mong rằng cuộc đời, tài năng của thi tướng là nguồn cảm hứng, khích lệ niềm đam mê sáng tác cho anh em văn nghệ sĩ.

Bà HUỲNH THU NGUYỆT, con gái thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Tôi tích cóp chuyện về ba qua đồng đội, đồng chí của ba!”

Cả cuộc đời ba tôi luôn dấn thân cho cách mạng, cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Thời gian của ba dành cho gia đình rất ít ỏi. Riêng tôi, cộng chung tất cả thời gian được sống bên ba mình được khoảng… 3 năm! Dù khi ba mất vào năm 1977, tôi đã ngoài 30 tuổi. Thế nên, tôi có rất ít kỷ niệm với ba. Tôi cũng như những anh chị em trong gia đình thường gần gũi, giữ liên lạc và tìm đến những đồng đội, đồng chí của ba để nghe họ nói về ba, hiểu và tự hào hơn về ba. Điều tôi ấn tượng nhất là ba không bao giờ nghĩ cho bản thân mình, gia đình mình mà luôn nghĩ về việc chung của quê hương, đất nước…

• QUỲNH NHƯ