Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Bàn cơ chế và nguồn lực bảo tồn di sản văn hóa
(BDO) Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị cần có quy định riêng về cơ chế riêng, mô hình quản lý phù hợp với đặc thù của các di sản.
Quang cảnh phiên họp chiều 23/10.
Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đây là dự án luật có nhiều nội dung lớn, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rộng, nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri cả nước và các đại biểu Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 7, đã có 122 lượt ý kiến phát biểu ở tổ và hội trường, có 2 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, lấy kiến chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm trong công tác quản lý để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật; xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong tháng 8/2024.
Kiến nghị những cơ chế quản lý riêng các di sản đặc thù, di sản thế giới
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết, tại khoản 2 Điều 3 quy định: Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trong bộ phận di sản văn hóa vật thể, còn có các di sản văn hóa thế giới, di sản thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới hỗn hợp do UNESCO công nhận.
“Các di sản này không chỉ phải đáp ứng tiêu chí quy định trong dự thảo luật, mà còn phải đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Do đó, đề nghị cần có quy định riêng về cơ chế riêng, mô hình quản lý phù hợp với đặc thù của các di sản này. Việc mặc định cơ chế quản lý chung với các di tích khác, kể cả chung cho đối tượng di sản thế giới sẽ gây ra rất nhiều bất cập trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản trong thực tiễn thời gian tới,” đại biểu nêu.
Nhấn mạnh về công tác bảo vệ di sản đô thị, trong trường hợp di sản đô thị cổ Hội An, đại biểu Dương Văn Phước, cho biết đô thị này có đặc thù khác biệt so với hầu hết các di tích khác ở Việt Nam. Đây là "bảo tàng sống," có hàng ngàn người dân sinh sống và gắn với quản lý hành chính của 4 phường thuộc thành phố Hội An.
Việc quản lý di tích ở Hội An không chỉ theo Luật Di sản văn hóa, mà còn chịu tác động của nhiều luật khác như Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn và đa dạng về loại hình, do đó đại biểu đề nghị cần có cơ chế quản lý riêng.
Ủng hộ thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Đa số ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là rất cần thiết để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được. Quỹ sẽ góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) nhấn mạnh, để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động hiệu quả, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, phí cho các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động của quỹ.
Bên cạnh đó, quá trình quản lý, điều hành và sử dụng quỹ cần đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch, để tạo niềm tin cho các nhà tài trợ;. Quỹ cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các chuyên gia trong việc thực hiện quy trình trùng tu, tôn tạo, bảo đảm tối đa các giá trị gốc của di tích.
Đại biểu cũng đề xuất mở rộng thẩm quyền thành lập quỹ cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, nhằm tạo nguồn lực đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra cho công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương. Theo đại biểu, việc hình thành quỹ ở địa phương, không phải tỉnh nào cũng có thể thành lập, nên quy định thành lập quỹ ở Trung ương do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập và quản lý quỹ.
Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) cho rằng, nguồn lực dành cho bảo tồn di sản văn hóa và các nhiệm vụ khác đang đặt ra yêu cầu, nhu cầu rất lớn về ngân sách đảm bảo. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này đã quy định về thẩm quyền thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và cấp thành lập gồm thành lập cả ở Trung ương và địa phương.
Về nguồn thu, dự thảo luật đã thể hiện rõ nguồn thu là không sử dụng ngân sách nhà nước. Trong Tờ trình của Chính phủ đã có báo cáo về kinh nghiệm trong việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tuy nhiên, lưu ý trong cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, Quỹ bảo tồn di sản của Thừa Thiên-Huế được sử dụng các nguồn ngân sách của các tỉnh, thành phố hỗ trợ cho Thừa Thiên-Huế và không sử dụng ngân sách của địa phương.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay nguồn thu của Quỹ này mới đạt hơn 8 tỷ đồng và rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Đại biểu nêu rõ, nguồn thu ở đây là nguồn viện trợ và các tài trợ khác, song dự thảo luật chưa thể hiện rõ về nguồn thu./.
Theo TTXVN