Kỳ họp thứ 6: Thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư hạ tầng giao thông

Thứ ba, ngày 07/11/2023

(BDO)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường.

Nhà nước cam kết thực hiện nghĩa vụ trong dự án PPP

Nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Chia sẻ với Bộ trưởng Giao thông Vận tải về khó khăn trong thu hút nhà đầu tư trong các dự án PPP, tuy nhiên, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) chưa đồng tình với Bộ trưởng về giải pháp chỉ nâng vốn Nhà nước tham gia dự án PPP để hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân.

Đại biểu nêu quan điểm quá tập trung vào việc nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Một trong những việc Nhà nước cần làm là cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình trong các dự án PPP như mua lại các dự án nếu có lỗi của Nhà nước; cam kết cân đối vốn; chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định chi tiết trong Luật PPP.

"Khi và chỉ khi Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết của mình thì mới thu hút được đầu tư tư nhân," đại biểu nhấn mạnh.

Cần tránh tình trạng chỉ chú trọng giai đoạn xây dựng công trình dự án mà chưa bao quát toàn bộ vòng đời dự án kể cả vận hành, bảo trì, khai thác, cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng coi đầu tư PPP như đầu tư công, đầu tư tư nhân thuần túy.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sau khi Luật PPP được ban hành vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Hiện cả nước có 5,2 triệu ôtô, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm xấp xỉ 50%, do phân bổ không đồng đều nên việc thu hút vốn vào dự án PPP khó khăn. Rất nhiều dự án PPP đang vướng mắc, chưa thể giải quyết, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước không phải là yếu tố quyết định đến sức hấp dẫn của các dự án PPP hạ tầng giao thông. Một số quốc gia không khống chế tỷ lệ Nhà nước tham gia vốn góp PPP.

Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề là cần thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị hoàn thiện các điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, cần thu hút nguồn vốn doanh nghiệp thông qua hình thức nhượng quyền thu phí, đấu giá quyền thu phí.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng cần phải căn cứ vào tính chất của từng dự án trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn của Nhà nước bao nhiêu cho phù hợp; đặc biệt là vốn Nhà nước vào các dự án ở những vùng khó khăn, vùng xa xôi cần phải phát triển cơ sở hạ tầng giao thông theo phương thức này.

Đại biểu đề nghị sắp tới, Chính phủ cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để phù hợp với thực tiễn hơn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà rất nhiều dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế đang bế tắc.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo thông lệ quốc tế, các nước cơ bản không ấn định mức tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia mà tùy tính chất, phương án tài chính của từng dự án để ngân sách Nhà nước tham gia nhiều hay ít, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

“Bộ Giao thông Vận tải đang kiến nghị sửa đổi Luật PPP thời gian tới để thu hút được nhiều nhà đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông," ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Tăng cường xử lý nước thải trong khu công nghiệp

Quan tâm đến việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu cho biết, hiện nay có nơi, có lúc vẫn có khu công nghiệp thải nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân.

Theo quy định, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung để bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Do đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tình hình kiểm soát việc xây dựng, sự vận hành của các hệ thống xử lý nước thải tập trung, khó khăn cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, năm 2022, cả nước có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có xử lý nước thải, hiện có 7 khu đang trong quá trình hoàn thành song hầu hết được xây dựng từ trước đây nên chưa có tiêu chuẩn quy định về yêu cầu bắt buộc trong việc này.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản đôn đốc, tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường và xử lý nước thải trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó có yêu cầu theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là lắp đặt hệ thống giám sát, hệ thống quan trắc tự động kết nối với các Sở Tài nguyên Môi trường và về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết và chỉ cho phép các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, vận hành thì phải hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường như là xử lý nước thải; khuyến khích các khu công nghiệp mới vận hành tuần hoàn hệ thống nước để tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong khu sản xuất kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các cụm công nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt hành chính trong vấn đề này./.

Theo TTXVN