Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII: Đại biểu kiến nghị nhiều nhóm vấn đề

Thứ tư, ngày 11/07/2012

Thu hút đầu tư nước ngoài vượt kế hoạch cả năm

Báo cáo tại kỳ họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012 tình hình kinh tế diễn biến không thuận lợi, tình trạng lạm phát, giá nguyên - nhiên vật liệu, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Bước vào tháng 5, nền kinh tế đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng, tình hình tiêu thụ hàng hóa chậm, sức mua trên thị trường giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở quán triệt các chính sách, giải pháp của Trung ương trong từng thời điểm và tình hình thực tế của địa phương, tỉnh đã kịp thời triển khai các nhóm giải pháp của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm tăng trưởng ổn định, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kim ngạch xuất khẩu có chuyển biến tích cực, tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

 Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII. (Ảnh: Q.CHIẾN)

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2012 chính là hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài tăng cao, vượt kế hoạch cả năm đề ra. Theo UBND tỉnh, DN đầu tư nước ngoài (chiếm 86% giá trị sản xuất công nghiệp và 82% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) cơ bản hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường ổn định, đã góp phần vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Một số dự án đầu tư có nguồn vốn lớn từ những tập đoàn mạnh của nước ngoài, có thương hiệu trên thế giới đến đầu tư tại tỉnh.

Song song đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao được đẩy mạnh, an sinh xã hội được thực hiện khá tốt. Việc chăm lo cho các đối tượng chính sách, xã hội, người nghèo, công nhân lao động được các cấp, các ngành, DN quan tâm chu đáo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung (phải) trao đổi với các đại biểu HĐND tỉnh bên lề hội nghị

Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế đó là: sản xuất công nghiệp tuy có tăng trưởng song tốc độ tăng thấp hơn so với cùng kỳ, thu ngân sách đạt thấp và giảm so với cùng kỳ, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giảm so với nguồn vốn huy động, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, hải quan, tín dụng, cấp phép... cho DN và người dân vẫn còn hạn chế...

Trong nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2012, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2012, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa theo Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ. Các ngành, các cấp rà soát và đề ra các biện pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Rà soát, nắm tình hình khó khăn của DN nhằm có hướng giải quyết cụ thể, đồng thời thành lập tổ xử lý vấn đề (về nguồn vốn, thuế, nợ tồn đọng...) để giúp DN sớm vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN trong việc thông tin, tham gia triển lãm trong và ngoài nước nhằm giúp DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tiêu thụ hàng hóa. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, điều chuyển vốn hợp lý, ưu tiên tập trung vốn cho các công trình cấp bách, công trình đã có khối lượng và hoàn thành trong năm 2012...

Kiến nghị nhiều nhóm vấn đề

Trong phần thảo luận tại kỳ họp vào chiều qua, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, phát biểu nhiều ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề về nông nghiệp nông thôn, công nghiệp, ngân hàng, giáo dục, y tế, môi trường, xây dựng cơ bản, chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh... Đại biểu Nguyễn Thanh Trung (Tổ đại biểu huyện Phú Giáo) kiến nghị một vấn đề được nhiều nông dân quan tâm hiện nay đó là tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đại biểu Trung, kế hoạch của UBND tỉnh đề ra đến hết năm 2011, 100% xã được chọn xây dựng xã nông thôn mới (30 xã) phải hoàn thành công tác quy hoạch chung, trong đó 20% số lượng xã phải có quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 1 xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới, 25 xã mới phê duyệt đề cương và thậm chí còn 4 xã chưa triển khai lập quy hoạch. Với tiến độ thực hiện quy hoạch chậm như hiện nay thì không thể đạt mốc thời gian UBND tỉnh đề ra. “Để bảo đảm được tiến độ, trong năm 2012, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới và tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư nhằm bảo đảm lộ trình theo kế hoạch đề ra...” - đại biểu Trung kiến nghị. Ngoài ra, tổ đại biểu huyện Phú Giáo cũng đề nghị UBND tỉnh có biện pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Cũng liên quan đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Trần Thanh Liêm (Dầu Tiếng) nêu thực trạng hiện nay người nông dân hai huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng không bán được mủ cao su trực tiếp cho Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa vì hai đơn vị này chỉ mua mủ từ các đại lý. Đại biểu này đề nghị UBND tỉnh làm việc với 2 công ty trên để nông dân có thể bán mủ trực tiếp cho công ty, tránh phải qua khâu trung gian là các đại lý.

Giải quyết khó khăn cho các DN cũng là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận tại hội trường. Đại biểu Ngô Hoàng Luân (Bến Cát) cho rằng cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời, sát hơn của ngành chức năng đối với những DN đang gặp khó khăn. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (TP.Thủ Dầu Một) kiến nghị có thêm nhiều sự hỗ trợ thiết thực cho DN. Cụ thể, tỉnh nên có cơ chế chia sẻ rủi ro với ngân hàng trong việc xem xét cho vay đối với DN. Ví dụ, DN khi đã đáp ứng khoảng 70 hoặc 80% các điều kiện vay vốn thì ngân hàng nên giải quyết cho DN vay để đầu tư sản xuất. DN hoạt động được thì việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính mới dễ dàng hơn.

Đại biểu ở các tổ cũng kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh như việc đầu tư không đồng bộ ở tuyến đường ĐT741 được cử tri nhiều lần bức xúc phản ánh nhưng chậm khắc phục. Đó là tuyến đường đã xây dựng hoàn thiện nhưng nhiều nơi chưa lắp đèn tín hiệu giao thông. Một số nơi chưa có đèn đường, nơi có thì bật không thường xuyên dẫn đến nhiều tai nạn giao thông vào ban đêm. Ngoài ra, hệ thống thoát nước trên tuyến đường này không đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập nhà dân mỗi khi trời mưa lớn. Đại biểu Đoàn Ngọc Như Tâm (TP.Thủ Dầu Một) phản ánh quá trình thi công dự án thu gom nước thải (do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư) trên địa bàn thành phố gây bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Việc đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải, bảo hiểm nông nghiệp, chính sách thu hút nguồn nhân lực, tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế biến mủ cao su, chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn... cũng được nhiều đại biểu đề cập trong quá trình thảo luận.

TRÍ DŨNG