Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Cho ý kiến hai dự án Luật
(BDO)
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 26/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát Cơ động.
Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát Cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động, đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ cho Cảnh sát Cơ động.
Thứ nhất là huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với Cảnh sát Cơ động và cán bộ, chiến sỹ, học viên trong Công an nhân dân; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai là phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Dự thảo Luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát Cơ động, trong đó bổ sung thêm hai quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát Cơ động.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ hai điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong quá trình thảo luận./.
Theo TTXVN