Bình Dương nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Kỳ 2: Tiếp tục đổi mới công tác thu hút đầu tư

Thứ ba, ngày 14/03/2017

(BDO) Trong những năm qua, Bình Dương đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà. Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để huy động mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Môi trường đầu tư luôn được cải thiện

Trong giai đoạn 2011-2015, thu hút đầu tư của Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đối với đầu tư trong nước, toàn tỉnh đã thu hút được 11.439 doanh nghiệp (DN), tăng 106% so với giai đoạn 2006-2010, với tổng vốn đăng ký 53.481 tỷ đồng, tăng 19% so với giai đoạn 2006-2010. Về đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh đã thu hút được 8 tỷ 843  triệu USD, đạt 176,9% so với Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra, tăng 33,36% so với giai đoạn 2006-2010. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 25.671 DN trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn 190.000 tỷ đồng, 2.849 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 25,8 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển tỉnh nhà. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Omron (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: P.LÊ

Được thành lập từ năm 1957, Tập đoàn Kolon là một trong những tập đoàn đa ngành nghề xuyên  quốc  gia  lớn  của  Hàn Quốc, với các sản phẩm công nghệ cao như bố lốp, túi khí ô tô, màng phim dùng trong công nghiệp điện, điện tử… Nhằm mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, năm 2016 tập đoàn đã lựa chọn Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng để triển khai dự án sản xuất bố lốp và túi khí ô tô tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD (trong đó giai đoạn 1 là 220 triệu USD). Ông Dong Moon Park, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Kolon Industries, nói: “Tôi khẳng định và tin tưởng việc đầu tư tại Bình Dương là lựa chọn chính xác. Công ty sẽ nỗ lực tối đa để nhà máy đạt được mục tiêu đề ra”.

Theo  ông  Yamamoto Kazuhito, Chủ tịch Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Bình Dương, Bình Dương có rất nhiều DN từ các quốc gia đến đầu tư. Thời gian gần đây, các DN Nhật đến Bình Dương đầu tư ngày một nhiều và trở thành nhà đầu tư nhiều nhất tại đây. Bình Dương đang là địa điểm được các nhà đầu tư nước ngoài chọn lựa để làm ăn. Điều các nhà đầu tư nước ngoài rất phấn khởi là lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ hội cho các DN đầu tư làm ăn.

Ông  Nguyễn  Thanh  Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, khẳng định những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2015, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng liên quan đến DN. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, đô thị, khu công nghiệp, cấp điện, cấp thoát nước theo hướng đồng bộ; cùng với đó quan tâm đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, hỗ trợ và đồng hành cùng DN. Nhờ đó đã góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện nhiệm vụ thu hút đầu tư phục vụ phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Tạo đột phá trong những lĩnh vực ưu tiên

Mặc dù thu hút đầu tư của Bình Dương tăng nhanh trong những  năm  qua,  nhưng  theo đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tăng trưởng nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, trong khi đó hàm lượng tri thức trong giá trị sản phẩm còn thấp; hệ thống các ngành dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế như tài chính, ngân hàng, kho bãi, du lịch phát triển còn chậm. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của các DN trong nước trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp vẫn còn khó khăn do giá cho thuê đất và phí sử dụng cơ sở hạ tầng cao so với năng lực tài chính của DN. Cùng với đó, thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị của tỉnh tuy đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị còn hạn chế so với tiềm năng và lợi thế của tỉnh…

Nhằm  huy  động  tốt  các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển  kinh  tế  trong  giai  đoạn 2016-2020,  Bình  Dương  đang và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần bảo đảm cho tỉnh thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X đã đề ra. Theo đó, tỉnh phấn đấu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ USD; số DN trong nước đăng ký mới đạt 23.000 DN, tăng gấp đôi so với giai đoạn 2011-2015, vốn đăng ký đạt 110.000 tỷ đồng. Ông Trúc cho biết, tới đây tỉnh sẽ bổ sung hoàn thiện quy hoạch  các  khu  công  nghiệp, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư phát triển công nghiệp;  cùng  với  đó  tiếp  tục đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đã quy hoạch làm tiền đề cho phát triển công nghiệp; song song đó tiếp tục vận động chuyển đổi công năng khu vực sản xuất công nghiệp phía Nam của tỉnh theo hướng chuyển sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị, công nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tập trung đầu tư hạ tầng bên ngoài để đấu nối hạ tầng các khu công nghiệp, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp đã xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng; đồng thời tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó ưu tiên các dự án sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Tỉnh nhà cũng sẽ khuyến khích  đầu  tư  phát  triển  công nghiệp phụ trợ, ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực sản xuất; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy hỗ trợ khởi nghiệp, giúp DN trong nước phát huy tối đa tiềm năng để phát triển sản xuất. 

Tại Bình Dương, ngoài các Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore còn có nhiều công ty của Singapore khác như Mapletree, Guocold… Các DN đầu tư tại Bình Dương đã nhận ra nền tảng vững chắc, tiềm năng phát triển và các chính sách thân thiện đầu tư của tỉnh, nhờ đó đã và đang hoạt động rất thành công tại tỉnh”.

(Bà Leow Siu Lin, Tổng Lãnh sự Singapore tại TP.Hồ Chí Minh)

Cùng  với  phát  triển  công nghiệp,  Bình  Dương  sẽ  tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ phát triển kinh  tế,  như  tài  chính,  ngân hàng…; đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng, sản phẩm du lịch có lợi thế. Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, duy trì và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thành lập, tiếp tục quy hoạch mới để tạo quỹ đất cho thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở giai đoạn tiếp theo...

Để thực hiện hiệu quả công tác thu hút đầu tư, trong thời gian tới Bình Dương sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong việc thu hút đầu tư. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tập trung đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư…

PHƯƠNG LÊ 

 

Từ khóa: