Kon Tum gồng mình ứng phó khô hạn
Tổng diện tích gieo trồng trong vụ Đông Xuân đạt trên 9.500ha giờ chỉ còn trên 8.000ha. Nguồn nước kiệt dần, người dân cũng đang «đuối sức».
Những cánh đồng chết
Kon Tum đang bước vào đỉnh điểm của mùa khô kiệt. Nắng, gió và nóng hiện diện khắp nơi. Trên cánh đồng nhiều thôn làng ở xã Đắc La, vựa lúa của huyện Đắc Hà… vắng tanh.
Sau nhiều ngày vật lộn với thời tiết để bơm, tát nước chống hạn cứu lúa, người dân trong xã đã… buông tay với 49ha. Để “tiếp sức” cho xã cứu trên 300ha lúa nước còn lại, UBND huyện Đắc Hà khẩn trương cấp hỗ trợ 2 máy bơm dầu và một trạm bơm điện.
Nguồn nước đang cạn kiệt dần Đứng giữa đồng ruộng nứt nẻ, ông Nguyễn Văn Bằng, Bí thư Đảng ủy xã Đắc La nhẩm tính sơ bộ: 1ha năng suất lúa đạt khoảng 6 tấn, mất 49ha, người dân trong xã mất gần 300 tấn lúa. Cộng với dịch bệnh lở mồm long móng đang hoành hành trên đàn gia súc, năm nay, nhiều mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra chắc không đạt.
«Nhiều năm qua mới có đợt hạn như vậy. Một số diện tích lúa có công trình thủy lợi vẫn bị thiếu nước. Đảng ủy cũng đã chỉ đạo Ban Nông nghiệp phân lịch tưới lúa, cà phê cho từng thôn. Tuy nhiên, một số diện tích lúa dùng nước tự nhiên, không có công trình thủy lợi sẽ mất trắng và không còn biện pháp nào cứu được”, ông Bằng cho biết.
Ông Đinh Quang Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Kon Tum cho biết: Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 1.400ha cây trồng bị hạn, trong đó diện tích lúa nước bị hạn trên 700ha, cây công nghiệp, rau đậu các loại trên 600ha. Ngoài ra, nếu trời vẫn tiếp tục không có mưa, khoảng trên 2.100ha sẽ không tránh khỏi khô hạn.
UBND tỉnh Kon Tum đã liên tiếp có chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các địa phương thực hiện giải pháp chống hạn, như: Nạo vét kênh mương thủy lợi, tận dụng các nguồn nước để bơm tưới, thực hiện giải pháp bơm chuyền, sử dụng hiệu quả nguồn nước ở các hồ, đập thủy lợi...
Trong đợt cấp kinh phí chống hạn đầu tiên, ngày 25-2, tỉnh đã xuất 860 triệu đồng, hỗ trợ 6 huyện, thành phố và Công ty Cổ phần Khai thác và Xây dựng thủy lợi (CPKTXDTL) Kon Tum .
Chính quyền các địa phương bị hạn, như huyện Đắc Hà, Sa Thầy, Thành phố Kon Tum, ngoài kinh phí được hỗ trợ đã xuất ngân sách hàng trăm triệu đồng mua máy bơm nước, đường ống, xăng dầu... hỗ trợ người dân.
Ông Trương Hồng Sơn, Trưởng Phòng kỹ thuật quản lý nước- Công ty CPKTXDTL Kon Tum, đơn vị đang quản lý khai thác 74 công trình thủy lợi lớn, có trách nhiệm cung cấp nước cho gần một nửa diện tích cây trồng vụ Đông Xuân của tỉnh cho biết: «Chúng tôi chỉ sử dụng bơm tưới ở những nơi có nguồn nước mang tính ổn định, nếu cần thiết thì bơm dung tích chết lòng hồ, nhưng chỉ áp dụng được vào cuối vụ vì thời gian ngắn nước lại hết ».
Còn nước còn tát
Theo nhận định của Công ty CPKTXDTL Kon Tum, sẽ có nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh khô kiệt trước thời điểm kết thúc mùa tưới, như hồ Đắc H’Na, xã Đắc Nông, huyện Ngọc Hồi; đập Đắc P’rông, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy; đập Đắc Rơ Va, xã Đắc Rơ Va, Thành phố Kon Tum... Nếu điều này xảy ra, sẽ có một diện tích lớn cây trồng của Kon Tum sẽ bị khô hạn vào cuối vụ.
“Còn nước, còn tát” là phương châm chống hạn của nhiều thôn làng tỉnh Kon Tum trong thời điểm hiện nay. Theo đó, hơn 40 hộ dân ở thôn 7, xã Đoàn Kết, Thành phố Kon Tum đã cùng góp tiền khoan 8 giếng nước trên cánh đồng của thôn, mỗi giếng kể cả máy bơm và đường ống trị giá hơn 10 triệu đồng ngày đêm bơm nước chống hạn cứu lúa.
Ông Phạm Hùng, Thôn trưởng thôn 7, cho biết, mỗi giếng một ngày bơm tưới cứu được khoảng 3 sào lúa, mất từ 160.000-180.000 đồng tiền dầu. Nếu đủ tiền “theo đuổi”, khoảng 2 tháng nữa, lúa cho thu hoạch, thì lời lãi từ diện tích này cũng chẳng còn mấy! Còn không đủ tiền để chống hạn đến cùng, họ sẽ mất cả chì lẫn chài.
“Toàn dân đã tích cực tìm mọi cách để cứu lúa nhưng hiện nay tiền không có đủ để bơm nữa nên một số diện tích buộc phải bỏ rồi. Giếng khoan cứ vẫn tiếp tục bơm đến đâu hay đến đó. Còn nước thì còn tát chứ giờ cũng chưa biết thế nào!”, ông Phạm Hùng chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, ước thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh đến thời điểm hiện nay đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Sau cơn đại hạn này, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề về an sinh xã hội mà địa phương cần phải tháo gỡ, giải quyết.
Theo VOV