Kinh tế xuất nhập khẩu: Những bước đi vững chắc

Thứ sáu, ngày 13/11/2020

(BDO) Gần 24 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tái lập, Bình Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đà phát triển đó, hàng hóa sản xuất tại Bình Dương đã vươn mình ra “biển lớn”.


Hàng hóa sản xuất tại Bình Dương đáp ứng tốt xuất khẩu, từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Omron, KCN VSIP II

Vững vàng hội nhập

Bình Dương đứng thứ 3 cả nước trong thu hút FDI và thu nội địa, là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương nhiều nhất, là một trong số ít địa phương luôn có tỷ lệ xuất siêu cao nhất cả nước… Hơn 20 mươi năm qua, hoạt động thương mại của Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc sớm hội nhập kinh tế đã giúp Bình Dương mở rộng được thị trường xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.

Trong 5 năm (2016-2020), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,64%/năm, quy mô ngành công nghiệp tăng 1,6 lần so với năm 2015 và chiếm 9,7% sản xuất công nghiệp cả nước. Công nghiệp hỗ trợ bước đầu có sự phát triển, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp chế tạo. Các khu công nghiệp không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng kết nối, đáp ứng yêu cầu thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư. Tổng giá trị xuất khẩu trong 5 năm qua ước đạt 119.540 triệu đồng, tăng bình quân 9,31%/ năm, tăng gấp 1,7 lần so với năm 2015, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, phát triển xuất khẩu nhóm hàng công nghệ. Nhập khẩu tăng bình quân 10,86%/ năm, chủ yếu là nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.

Ông Kim Won Sik, Chủ tịch Chi hội DN Hàn Quốc tại Bình Dương khẳng định, với hơn 300 DN Hàn Quốc đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các DN đã luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu từ Cục Hải quan Bình Dương.

Trong hành trình đó, nhiều DN, ngành hàng đã định vị được thương hiệu của mình trên toàn cầu và đưa hàng hóa của Bình Dương vào danh mục lựa chọn của khách hàng trên toàn thế giới. Theo ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Minh Long I, với dây chuyền sản xuất theo công nghệ hiện đại, chủ yếu của Đức và Nhật, sản phẩm Minh Long đã được tiêu thụ mạnh và xuất khẩu đi các nước châu Âu như Đức, Pháp, Nhật, Hà Lan… và Mỹ. Sản phẩm của Công ty Minh Long sau hơn 30 năm gầy dựng đã và đang cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu danh tiếng thế giới có tuổi đời hàng trăm năm.

Với Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, việc hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế đã đem lại cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của tỉnh một vị trí vững vàng trên thị trường quốc tế. Các DN thuộc ngành xuất khẩu chủ lực này kiên trì đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tham gia hội chợ đồ gỗ lớn trên thế giới như ở Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản và Trung Đông. Đồng thời, DN mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa và số hóa… hướng đến mục tiêu nâng tầm đồ gỗ Bình Dương, chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Tạo mọi điều kiện thuận lợi

Theo đánh giá của các chuyên gia, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là một lợi thế để lĩnh vực xuất nhập khẩu phát triển. Đến nay, các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế xuất khẩu tiếp tục được ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm... Những lĩnh vực này cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Trên tinh thần “luôn sát cánh cùng cộng đồng DN”, thời gian qua, các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giúp các DN hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiết kiệm thời gian, chi phí, thuận lợi hơn trong hoạt động thông quan, nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Theo lãnh đạo Cục Hải quan Bình Dương, thời gian qua, cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang phương thức quản lý điện tử. Đến thời điểm này, các thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động tại tất cả các đơn vị hải quan trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình phát triển và xây dựng đô thị Bình Dương, tỉnh luôn chú trọng điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Với phương châm “kết cấu hạ tầng giao thông đi trước mở đường”, tỉnh luôn nỗ lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thiết yếu, tập trung đầu tư kết nối các vùng phát triển công nghiệp và đô thị, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông thuận lợi. Các trục giao thông mang tính kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện như đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng; đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13; nâng cấp mở rộng đường ĐT743A, ĐT743B; đầu tư mới đường Thủ Biên - Đất Cuốc...

Với năng lực thu hút đầu tư, tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế được duy trì ổn định, Bình Dương là địa phương có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển chiếm trên 51% tổng nguồn cung kho bãi khu vực phía Nam - khu vực có tổng nguồn cung kho vận thuộc tốp đầu cả nước. Hiện nay, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực logistics. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào tỉnh Bình Dương ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói và đa dạng.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thời gian tới, Bình Dương nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương lân cận trong việc triển khai các dự án về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy có tính chất kết nối vùng, như: Dự án đường Vành đai 3, 4; dự án nạo vét, khai thông thủy sông Sài Gòn, sông Đồng Nai… nhằm tạo kết nối lưu thông hàng hóa, kết nối dịch vụ đô thị. Tỉnh cũng quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện phát triển mới.

Theo Cục Hải quan Bình Dương, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 21 kho ngoại quan, 4 CFS (kho gom hàng lẻ), 2 ICD (cảng cạn) và 31 đại lý hải quan để cung cấp dịch vụ logistics cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD và đại lý thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn. Hiện nay, các đơn vị như cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An, ICD Sóng Thần, Cảng Bình Dương, Cảng thủy nội địa ICD An Sơn… đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông, phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

 TIỂU MY