Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển toàn diện

Thứ bảy, ngày 14/11/2020

(BDO) Sáng qua (13-11), ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11-2020 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2021. Cùng dự có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.


Kinh tế tỉnh tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (KCN Mỹ Phước III, TX.Bến Cát)

Kết quả tích cực

Năm 2020 dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động toàn diện và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tại Bình Dương, mặc dù dịch bệnh Covid-19 không xảy ra trong cộng đồng nhưng đã làm nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng; sản xuất, kinh doanh có thời điểm bị ngưng trệ, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ sụt giảm, người lao động tạm ngừng việc làm, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động tích cực của các cấp, ngành, địa phương, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 tiếp tục phát triển tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, đã đạt và vượt 17/31 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,78% (kế hoạch tăng 8,6 - 8,8%); GRDP bình quân đầu người đạt 150,1 triệu đồng (kế hoạch 154,2 triệu đồng); cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 65,97% - 22,69% - 3,23% - 8,11%. Tổng thu ngân sách ước đạt 59.700 tỷ đồng, đạt 96% dự toán HĐND tỉnh, tăng 1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 252.889 tỷ đồng, tăng 12,3%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 27,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,5%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 21,5 tỷ đô la Mỹ, tăng 7,6%. Thặng dư thương mại đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Tập trung hoàn thiện hồ sơ trình công nhận 3 huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên); xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tập trung các nhiệm vụ, giải pháp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu, nhập khẩu duy trì mức tăng nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Doanh nghiệp gặp khó khăn về nguyên liệu, lượng đơn hàng giảm 20-30% so với cùng kỳ… Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên tiến độ thực hiện chậm, giải ngân vốn thấp. Đến ngày 15-10-2020, giá trị giải ngân 4.670 tỷ đồng, đạt 31,3% kế hoạch điều chỉnh năm 2020 và đạt 43,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…


Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, ông Nguyễn Hoàng Thao ghi nhận những kết quả tỉnh đã được trong năm 2020; đồng thời chỉ rõ các chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch cần phải khắc phục trong năm 2021. Ông Nguyễn Hoàng Thao lưu ý, các sở, ngành cần tập trung một số nội dung: Chú trọng các nội dung tích hợp về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, sử dụng đất; đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị, các khu dân cư, bảo đảm lộ trình nâng cấp đô thị đã đề ra; xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về nhà ở, thị trường bất động sản; tổng kết đề án thành phố thông minh, xây dựng phương án 2021- 2025. Quy hoạch phát triển hệ thống mạng riêng (MAN); đầu tư trung tâm điều hành thành phố thông minh; đầu tư trang thiết bị hỗ trợ giải pháp đại học thông minh; thành lập trung tâm điều hành giáo dục thông minh; tích hợp dữ liệu GIS dùng chung phục vụ phát triển chính quyền điện tử.

Ông Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu cần có giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; điều chỉnh cơ cấu, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tỉnh Bình Dương, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.

Kế hoạch năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5-8,7% so với năm 2020; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 58.700 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã đưa ra 9 nhiệm vụ và giải pháp: Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới; điều hành thu chi ngân sách; tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn, tín dụng; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; quản lý quy hoạch, phát triển đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.

 THOẠI PHƯƠNG