Kinh tế - xã hội đạt kết quả đáng khích lệ
(BDO) Kinh tế tăng trưởng mạnh
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tháng 10- 2022 có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 ước tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10 ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 17,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm ước tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với mức tăng của kim ngạch xuất khẩu ước tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng ước tăng 8,6% so với tháng trước và tăng 40,3% so với cùng kỳ. Đây là những con số khẳng định sự phục hồi, tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng. Một con số nữa cũng phản ánh rõ nét sự tăng trưởng của nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà là thu hút đầu tư trong nước trong tháng đạt 9.444 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 75.913 tỷ đồng. Trong khi đó, thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng là 119 triệu đô la Mỹ, lũy kế 10 tháng đạt 2,738 tỷ đô la Mỹ, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại phiên họp
Với sự tăng trưởng trở lại khá ấn tượng như trên, tình hình thu ngân sách trên địa bàn trong tháng cũng đạt 6.900 tỷ đồng, nâng tổng mức thu ngân sách trên địa bàn trong 10 tháng đầu năm lên 55.200 tỷ đồng, bằng 99% so với mức thu cùng kỳ năm 2021 và đạt 92% dự toán HĐND tỉnh. Chi cân đối ngân sách địa phương trong tháng ước đạt 1.600 tỷ đồng, nâng lũy kế trong 10 tháng lên 12.450 tỷ đồng, bằng 83% cùng kỳ, đạt 61% kế hoạch dự toán HĐND tỉnh giao.
Khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu
Dù tình hình kinh tế - xã hội có những kết quả đáng khích lệ, nhưng nhìn chung thời gian qua vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn. Trong đó, hoạt động giải ngân nguồn vốn đầu tư công đang là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Thông tin từ UBND tỉnh cho biết tính đến ngày 15-10-2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn ước đạt 3.692,4 tỷ đồng. Con số này dù tăng so với cùng kỳ nhưng nhìn chung vẫn chỉ đạt 41,4% so với kế hoạch năm do HĐND tỉnh giao.
Để giải quyết triệt để các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách mà các sở ngành, địa phương đang gặp phải, trong phiên họp thường kỳ tháng 10 lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe ý kiến của hầu hết các sở ngành, địa phương. Trong đó, ý kiến của các ngành tư pháp, tài chính, tài nguyên - môi trường, xây dựng, thuế, hải quan… được quan tâm và xoáy sâu để tìm ra vấn đề.
Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương cùng nhau “xắn tay áo”, vào cuộc một cách nghiêm túc, quyết liệt, phấn đấu đến cuối năm đạt kế hoạch hoàn thành giải ngân 85% giá trị nguồn vốn đầu tư công. Để làm được việc này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương phải cực kỳ khẩn trương, nghiêm túc làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, phối hợp.
Để kịp thời hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong các tháng cuối năm. Theo đó, từ nay đến cuối năm, các đơn vị tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, 11/NQ-CP, 38/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của lãnh đạo Tỉnh ủy tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 15 mở rộng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên từng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022, khẩn trương xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát và quản lý thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, xem đây là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược; tập trung triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả và thực tế để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày.
Tỉnh xác định các tháng cuối năm sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời lập quy hoạch riêng để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung cấp huyện, phương án phân bổ đất đai để tạo không gian phát triển mới, quy hoạch quỹ đất tái định cư. Chung tay vào chiến lược xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian tới tỉnh cũng phấn đấu huy động nguồn lực thực hiện tốt các dự án liên kết vùng. Cụ thể, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, như: Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và một số dự án hạ tầng giao thông, điện lực, viễn thông kết nối vùng đi qua địa bàn tỉnh.
Song song với các hoạt động chỉ đạo, điều hành mang tính đối nội, thời gian tới UBND tỉnh cũng sẽ chủ động triển khai một số chương trình liên kết, hợp tác đối ngoại. Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục thu hút, mời gọi đầu tư đặc biệt là các nhóm dự án mang hàm lượng chất xám cao gắn liền chương trình sản xuất, kinh doanh thông minh, thân thiện với môi trường. Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để giúp tỉnh từng bước hình thành đô thị thông minh, nơi mà con người là trung tâm và công nghệ là công cụ hữu ích, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống con người tốt nhất.
ĐÌNH THẮNG