Kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển ổn định

Thứ ba, ngày 30/08/2022

(BDO) Sáng 30-8, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8-2022. Phiên họp đã nghe và thông qua 11 nội dung quan trọng như:  Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 8-2022; tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng, một số dự án xã hội hóa; giải ngân vốn đầu tư công; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm…


Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận phiên họp.

Trong tháng 8-2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.018 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 7 và tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 24 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tạo việc làm cho 26.356 người. Dự kiến trong năm học mới 2022-2023, toàn tỉnh có hơn 527.000 học sinh các cấp, tăng gần 30.000 học sinh so với năm học trước. Ngành y tế tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm mũi 4 vắc xin ngừa Covid-19; tháo gỡ khó khăn trong công tác mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; xây dựng đề án đầu tư bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường; giải quyết vướng mắc trong quy hoạch Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch...


Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một phát biểu tại phiên họp. 

Phát biểu tại phiên họp, ông Võ Văn Minh cho biết trong tháng 8-2022 kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm 2021; dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công...

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Võ Văn Minh lưu ý các sở, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Các ngành, các cấp chủ động phòng chống thiên tai, lụt bão, tổ chức các hoạt động tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày. 

Ông Võ Văn Minh cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định dự toán các gói thầu mua sắm của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục phát huy những cách làm hiệu quả trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng như đường Vành đai 3, các đoạn còn lại của tuyến Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1; khẩn trương xử lý  những tồn đọng tại các khu đô thị, khu dân cư đang gây bức xúc trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự đô thị...

Tin, ảnh: Minh Duy