Kinh tế - xã hội Bình Dương 5 tháng đầu năm: Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá

Thứ sáu, ngày 01/06/2018

(BDO)  Sáng qua (31-5), UBND tỉnh đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5-2018 nhằm thảo luận, thông qua dự thảo báo cáo chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong tháng 5. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Nhiều chỉ tiêu đạt khá

Theo Văn phòng UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong tháng 5 tăng 5,37% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng khoảng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nổi bật là công nghiệp chế biến và chế tạo của tỉnh tăng 8,57%; sản xuất và phân phối điện tăng 3,43%; khai khoáng giảm 2,4%. Trong tháng 5, Bình Dương đã tiến hành bình chọn, công nhận 19 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018; trình Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình - giai đoạn 2 (1.055,8 ha).

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: XUÂN THI

Về thương mại - dịch vụ, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả tỉnh trong tháng 5 đạt 15.554 tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đầu năm đạt 75.424 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia Hội chợ Hùng Vương năm 2018 tại tỉnh Phú Thọ, Hội chợ mỗi xã một sản phẩm tại tỉnh Quảng Bình, tổ chức phiên chợ hàng Việt về khu - cụm công nghiệp…

Về thu hút đầu tư, trong tháng 5 toàn tỉnh đã thu hút được 4.767 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, gồm 550 doanh nghiệp đăng ký mới (số vốn đăng ký 3.858 tỷ đồng), 94 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (số vốn điều chỉnh tăng là 997 tỷ đồng). Tính chung 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thu hút được 21.924 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gồm 1.974 doanh nghiệp đăng ký mới, 413 doanh nghiệp tăng vốn, 14 doanh nghiệp giảm vốn; có 93 doanh nghiệp giải thể. Đối với đầu tư nước ngoài, trong tháng 5, toàn tỉnh thu hút được 72 triệu USD vốn, nâng tổng số vốn thu hút được từ đầu năm đến nay lên 680 triệu USD.

Về thu ngân sách, ước thu mới ngân sách của cả tỉnh trong tháng 5 là 3.630 tỷ đồng; tính chung 5 tháng đầu năm thu 20.700 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 39,4% dự toán HĐND tỉnh. Trong số này, thu nội địa 15.500 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 39,2% dự toán; thu xuất nhập khẩu 5.200 tỷ đồng, bằng cùng kỳ và đạt 40% dự toán. Riêng về chi ngân sách địa phương, tháng 5, toàn tỉnh ước chi 853 tỷ đồng; tính chung trong 5 tháng qua chi 3.600 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 21,2% dự toán.

Về tín dụng, tổng vốn huy động trong tháng 5 của cả tỉnh ước đạt 171.000 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và tăng 0,9% so với tháng trước; tổng dư nợ ước đến cuối tháng đạt 164.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm và tăng 1,7% so với tháng trước. Nợ xấu là 993 tỷ đồng, giảm 1,97% so với tháng trước và chiếm 0,61% tổng dư nợ.

Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm

Tại cuộc họp, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh cho biết, một số nhiệm vụ tỉnh đã thực hiện được trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, về an sinh xã hội, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có công, gia đình chính sách nhân kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2018); lập hồ sơ giải quyết trợ cấp cho 10 mẹ Việt Nam anh hùng được truy tặng danh hiệu...

Trong tháng 5, lĩnh vực lao động, việc làm tiếp tục có những biến chuyển tốt. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, Tháng công nhân và Tuần lễ thanh niên công nhân; bên cạnh đó đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 10.780 người, trong đó có 4.211 lao động nhận được việc làm. Tính chung trong 5 tháng qua, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 18.873 người. Ngành y tế cũng đã triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng, chống dịch bệnh và công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong thời gian tới, để kinh tế - xã hội phát triển theo đúng các mục tiêu, định hướng đã đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ. Bên cạnh đó, tỉnh hoàn chỉnh quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp; quản lý giá, thị trường, các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, sách giáo khoa, tập và dụng cụ học sinh phục vụ năm học 2018-2019; chấn chỉnh hoạt động quản lý, khai thác chợ Thủ Dầu Một.

Tỉnh sẽ quản lý chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; chi ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả; triển khai xây dựng dự toán năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2019-2021. Tỉnh cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng và các hoạt động liên quan đến tiền ảo; kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2018 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch Năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”; bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, bến khách ngang sông, nhất là trong thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Tỉnh cũng chú trọng quản lý sau cấp giấy phép xây dựng; kiểm tra, giám sát chất lượng công trình; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; hoàn thiện hồ sơ nâng cấp đô thị Bến Cát và Tân Uyên đạt tiêu chí đô thị loại III.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong thời gian tới các sở, ngành cần tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là công tác giải ngân vốn; tiếp tục quyết liệt thực hiện việc tinh giảm biên chế từ UBND tỉnh đến các huyện, thị, thành phố. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tập trung theo dõi diễn biến tình hình giá cả nông sản, chăn nuôi cũng như khắc phục thiên tai, bão lũ; Sở Giao thông - Vận tải cần tăng cường tuần tra, thực hiện các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí trong thời gian tới...

Chưa thông qua Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5-2018, đại diện Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với đơn vị tư vấn trình bày dự thảo Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa của tỉnh trong thời gian tới. Theo đơn vị tư vấn, do tăng trưởng ngành công nghiệp quá nhanh, lượng hàng hóa trên địa bàn tỉnh khá lớn dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Trong khi đó, những hạn chế về hạ tầng giao thông đường thủy tại Bình Dương trong thời gian gần đây cũng đã dần được tháo gỡ. Chính vì thế, tiềm năng vận tải thủy của tỉnh là rất lớn nên cần có những bước đi cần thiết về mặt quy hoạch để xây dựng các kế hoạch dài hơi cho tương lai.

Cũng theo đơn vị tư vấn, quy hoạch cảng trên sông Sài Gòn đến năm 2030 sẽ có 5 cảng hàng hóa, 4 cảng chuyên dùng. Sông Đồng Nai sẽ có 4 cảng hàng hóa và 2 cảng chuyên dùng. Ngoài ra, sông Thị Tính cũng có 1 cảng hàng hóa nằm gần sông Sài Gòn. Vốn thực hiện khoảng hơn 2.000 tỷ, trong đó hơn 400 tỷ dành cho giai đoạn 1 (trước năm 2020) và ưu tiên huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện quy hoạch.

Đánh giá cao những cố gắng của Sở Giao thông - Vận tải và đơn vị tư vấn nhưng do quy hoạch còn một số điểm bất hợp lý cần tham khảo thêm các đơn vị có liên quan nên lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng nên chưa thông qua Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa trong phiên họp lần này. UBND tỉnh cũng giao Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, sớm rà soát lại các hệ thống văn bản, cơ sở pháp lý trước khi trình UBND, HĐND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới.

M.NGUYỄN

 

KHÁNH VINH