Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm: Điểm nhấn thu hút đầu tư, thặng dư thương mại

Thứ hai, ngày 24/06/2019

(BDO)

Ngành công nghiệp tiếp tục đóng góp lớn vào nền kinh tế tỉnh nhà. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn (KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Thu hút vốn FDI vượt kế hoạch 5 năm

Theo UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm UBND tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; tổng kết một số chương trình đột phá của Tỉnh ủy trong giai đoạn 2016-2020. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đề ra đều tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, đến nay một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm (2016-2020), nổi bật thu hút FDI đạt 8,4 tỷ USD (theo kế hoạch đề ra là trên 7 tỷ USD). 6 tháng qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước thực hiện 40.623 tỷ đồng, tăng 12,02% so với cùng kỳ. Đối với đầu tư trong nước, từ đầu năm đến ngày 15-6 toàn tỉnh đã thu hút 27.337 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Như vậy, đến nay toàn tỉnh có 39.307 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 328.315 tỷ đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2019, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Tỉnh cũng lập đề án xây dựng một số khu công nghiệp công nghệ cao tại huyện Bàu Bàng, các khu cụm công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư; tiếp tục tổ chức gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Thặng dư thương mại đạt 3,4 tỷ USD

Báo cáo của UBND tỉnh cũng cho biết, 6 tháng qua, đa số các chỉ số đánh giá chủ yếu của tỉnh đều có sự cải thiện về điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng chung của cả nước. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ của tỉnh tiếp tục đà tăng trưởng ổn định. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,08%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 111.415 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, duy trì thặng dư thương mại đạt 3,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp xã. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện tốt.

Chế độ, chính sách cho các đối tượng tiếp tục được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng quan tâm đào tạo lao động và giải quyết việc làm; cùng với đó công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Trên lĩnh vực văn hóa, hoạt động văn hóa, lễ hội, thể dục - thể thao, thông tin tuyền thông được tỉnh tổ chức chu đáo, phục vụ tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân...

Chất lượng giáo dục được nâng cao

Theo UBND tỉnh, năm học 2018-2019 chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo ngày càng được củng cố và từng bước nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và trường lớp được tỉnh quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ số lượng, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh trên địa bàn.

Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 654 cơ sở giáo dục (tăng 26 cơ sở so với năm học trước), tỷ lệ trường công lập được lầu hóa đạt 79,63%, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 71,08%, tỷ lệ học sinh xếp loại khá, giỏi cấp THCS đạt 54,88% và THPT đạt 59,84%. Tại kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc năm 2019, tỉnh đạt 29 giải/54 thí sinh.

Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh, không để các trường phải tổ chức học 3 ca, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp về trường lớp, giáo viên, như thực hiện phương án tăng số lớp/trường, tăng số học sinh/lớp, giảm số lớp học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh hướng dẫn các đơn vị thực hiện điều chuyển giáo viên, hợp đồng giáo viên nhằm đáp ứng đủ giáo viên trước sự gia tăng về học sinh, trường, lớp. Cùng với đó, tỉnh tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục mầm non nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu chăm sóc và nuôi dạy trẻ hiện nay…

Phát biểu kết luận phiên họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng; các cấp, các ngành liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị các ngành, địa phương quan tâm giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; thí điểm hệ thống giáo dục nghề trực tuyến và tổ chức thi tay nghề cấp tỉnh năm 2019.

Đối với lĩnh vực giáo dục, ông Trần Thanh Liêm yêu cầu phải bảo đảm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 minh bạch, an toàn, đúng quy chế; chuẩn bị tốt trường lớp, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ giáo viên phục vụ năm học mới 2019-2020; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cấp, các ngành liên quan thực hiện các giải pháp nắm tình hình, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; hoàn thành đề án điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã...; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, quản lý chặt chẽ cán bộ công chức đi nước ngoài theo quy định; tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2019.

Nâng cao trách nhiệm trong đầu tư công
Sáng qua (24-6), UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp thông qua các nội dung liên quan đến công tác đầu tư công, thu chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, năm 2019, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 7.821 tỷ đồng. Đến ngày 31- 5, tổng khối lượng thực hiện các công trình đầu tư công của tỉnh đạt 1.750 tỷ đồng, bằng 22,4% kế hoạch; tổng giá trị giải ngân 1.094 tỷ đồng, bằng 14,8% kế hoạch. Kết quả này cho thấy, tình hình thực hiện đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân kế hoạch đầu tư công của tỉnh đạt thấp là do các chủ đầu tư chưa tập trung, quyết liệt trong xây dựng nhu cầu kế hoạch vốn và theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các khâu từ chuẩn bị đầu tư đến đấu thầu triển khai thực hiện dự án.
Năm nay, kế hoạch thực hiện các công trình trọng điểm theo Chương trình 23 của Tỉnh ủy bố trí 45 dự án, tổng vốn 4.159 tỷ đồng. Đến ngày 31-5, khối lượng thực hiện các dự án này là 590 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch; giá trị giải ngân 377 tỷ đồng, bằng 14% kế hoạch năm; có 23 danh mục dự án chưa giải ngân.
Dự kiến, tổng nguồn vốn kế hoạch điều chỉnh đầu tư công năm 2019 của tỉnh là hơn 10.946 tỷ đồng, tăng gần 3.125 tỷ đồng so với đầu năm. Theo đó, tỉnh bố trí tăng vốn cho 139 dự án, giảm vốn 68 dự án, bổ sung danh mục 27 dự án, ngưng bố trí 21 dự án.
Về thu ngân sách Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh thu từ kinh tế - xã hội được 28.600 tỷ đồng, đạt 52% dự toán HĐND tỉnh, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Về chi ngân sách, tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 5.100 tỷ đồng, đạt 27% so với dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Phát biểu kết luận phiên họp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản, lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu đủ năng lực; đồng thời thống nhất với nội dung các kế hoạch điều chỉnh đầu tư công, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa và xây dựng giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ đầu tư công trong thời gian tới. Về tình hình thu - chi ngân sách, các sở, ngành, địa phương tập trung đôn đốc, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% vào cuối năm 2019.
PHƯƠNG AN

PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: