Kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Bình Dương khẳng định vai trò, vị thế quan trọng

Thứ bảy, ngày 22/10/2022

(BDO) Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước, đầu mối giao thông của khu vực. Các địa phương thuộc vùng ĐNB có sức phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm qua, trong đó Bình Dương ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của vùng.

Trung tâm kinh tế năng động

ĐNB là trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước và đảm nhiệm chức năng đầu mối giao thương của cả khu vực và với thế giới. Một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung ở tứ giác TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu. Theo số liệu thống kê, vùng ĐNB đóng góp GDP trên 34%, trên 50% nguồn thu ngân sách quốc gia và dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI với trên 60% số lượng dự án và 50% tổng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, vùng kinh tế ĐNB với hạt nhân là TP.Hồ Chí Minh - nơi tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, có nguồn nhân lực dồi dào, là trung tâm đầu mối dịch vụ, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở, liên kết với nhau thông qua các tuyến vành đai đang được xây dựng.


Những năm qua, Bình Dương không ngừng đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong ảnh: Đường Mỹ Phước - Tân Vạn đưa vào hoạt động, trở thành tuyến giao thông huyết mạch của cả vùng

Hiện quy hoạch giao thông vận tải vùng ĐNB đang được Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên tiềm năng, lợi thế và điều kiện tự nhiên vùng. Vùng sẽ hình thành các tuyến cao tốc nối TP.Hồ Chí Minh với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cùng với 19 tuyến quốc lộ dài khoảng 2.795km; hình thành các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt xuyên Á, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Hiện tại vùng ĐNB tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng thủy nội địa, phát triển hành lang đường thủy và logistics phía Nam; ưu tiên hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, phát triển hệ thống cảng cạn, hình thành cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phát triển đô thị thông minh, bền vững

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Bình Dương với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, có lợi thế cạnh tranh. Bình Dương có đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho vùng ĐNB và cả nước. Giai đoạn gần đây, Bình Dương luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương đã đoàn kết, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực và đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. GRDP năm 2021 của Bình Dương tăng 2,62%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp - thương mại và dịch vụ đạt trên 89,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 58 tỷ đô la Mỹ, tăng 17,8%.

Bình Dương hiện là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, có 27 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích hơn 13.000ha. Bình Dương là “điểm đến” của nhà đầu tư trong và ngoài nước, số doanh nghiệp FDI đứng thứ 3 cả nước, mô hình VSIP đang nhân rộng ra nhiều địa phương.

Với chủ trương “giao thông đi trước một bước”, Bình Dương đã đầu tư xây dựng các tuyến “xương sống” như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Thủ Biên - Đất Cuốc, tuyến đường và cầu nối Tây Ninh… Đặc biệt, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai xây dựng tuyến Vành đai 3, Vành đại 4, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành kết nối liên vùng, mang lại sự đột phá về kinh tế cho địa phương.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết: “Cùng với Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương với điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và lợi thế phát triển đã hình thành nên “một tứ giác phát triển” của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc Bình Dương đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kết nối giao thông với mạng lưới các khu công nghiệp và tổ chức đô thị đã là điển hình thành công trong phát triển kinh tế địa phương”.

Có thể thấy, với quy hoạch giao thông vận tải vùng ĐNB sẽ là tiền đề và là cơ hội để Bình Dương trở thành một đô thị lõi mới bên cạnh TP.Hồ Chí Minh theo chiều lan tỏa nan quạt về phía Bắc. Các chuyên gia quy hoạch nhận định việc đô thị hóa của TP.Hồ Chí Minh đến đường Vành đai 3 sẽ là ngưỡng và vượt tầm ảnh hưởng của lõi. Do đó, việc nổi lên vai trò của các thành phố vệ tinh trong vùng và xuất hiện các vành đai công nghiệp là điều tất yếu. Xu hướng đô thị hóa cũng sẽ có sự thay đổi nhanh chóng khi đô thị trung tâm cũ quá tải, ùn tắc sẽ bị bỏ lại, xu hướng tìm kiếm chất lượng sống tốt hơn sẽ lan tỏa đến các vùng ven có lợi thế về không gian rộng, môi trường trong lành, trẻ hơn, rẻ hơn.

ÔNG VÕ VĂN MINH, CHỦ TỊCH UBND TỈNH:

“Bình Dương xác định sẽ thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía Nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học công nghệ, để lại không gian phía Nam cho phát triển đô thị - dịch vụ và thương mại. Điều này đồng nghĩa Bình Dương sẽ tận dụng tốt được lợi thế của các đường vành đai và giao thông đường thủy đang được các địa phương trong vùng khẩn trương triển khai thực hiện để hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại. Bình Dương sẽ hình thành nên mảnh ghép cần thiết trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế vùng ĐNB”.

PHƯƠNG LÊ