Kinh tế tư nhân là nguồn lực quan trọng đối với Bình Dương

Thứ tư, ngày 17/05/2017

(BDO) Điểm lại quá trình 20 năm phát triển và hội nhập (1997-2017) của Bình Dương, có thể nhận thấy kinh tế tư nhân (KTTN) luôn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm, coi đây là nguồn lực quan trọng để phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 Vai trò quan trọng

Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc phát triển KTTN trong cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cách gọi trước đây và nay là trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là chủ trương đúng đắn và nhất quán của Đảng kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới. Tại Đại hội XII của Đảng (năm 2016), Đảng ta đã khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.

Việc Đảng ta xác nhận “KTTN là một động lực quan trọng” trong phát triển đất nước không chỉ xác nhận vai trò mới của KTTN, mà còn mở ra những cơ hội mới để thành phần KTTN phát triển mạnh mẽ hơn. Với chủ trương của Đảng không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, xóa bỏ hẳn cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Bình Dương sớm xác định KTTN có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH gốm sứ Minh Long I Ảnh: Q.CHIẾN

Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, có thể thấy rất rõ những đóng góp tích cực của KTTN đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nổi bật là, KTTN đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; huy động các nguồn vốn trong nhân dân, trong xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước; tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta...

Tại Bình Dương, ngay từ những ngày đầu phát triển, tỉnh đã xác định KTTN là nguồn lực quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội địa phương. Trên quan điểm đúng đắn ấy, Bình Dương đã có nhiều chế độ, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển KTTN. Cũng từ đây, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước đã tìm đến Bình Dương đầu tư theo chính sách “Trải chiếu hoa mời gọi nhà đầu tư” của tỉnh. Hàng ngàn doanh nghiệp thuộc khu vực KTTN đã ra đời, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và quá trình phát triển của Bình Dương. Không chỉ có các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mà những doanh nghiệp trong tỉnh cũng lớn mạnh không ngừng, mang nét đặc trưng của đất và người Bình Dương, như Minh Long I, Cường Phát, Vinamit, U&I...

Đẩy mạnh phát triển KTTN

Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có trên 500.000 doanh nghiệp tư nhân, chiếm gần 90% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong giai đoạn 2006-2015, khu vực KTTN đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Đặc biệt, khu vực KTTN thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm mỗi năm... Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng, không thể thiếu của KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Vì vậy, KTTN không những được xác định là “một trong những động lực của nền kinh tế” như đã khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, mà còn là động lực của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Sớm nhận thấy tầm quan trọng của KTTN, Bình Dương từ lâu đã vận dụng đường lối đổi mới của Đảng để tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sử dụng đất đai, đầu tư sản xuất từ rất sớm. Qua đó, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện triệt để chủ trương giao đất cho các nhà đầu tư, xây dựng các khu và cụm công nghiệp để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đến nay, khu vực KTTN ở Bình Dương có hơn 26.000 doanh nghiệp đang hoạt động, ước tổng số vốn hơn 190.000 tỷ đồng. Mặc dù lượng vốn đầu tư chỉ bằng 30% so với lượng vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh song khu vực KTTN đang đóng góp từ 30 - 35% GDP của địa phương.

Trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá. Nếu như năm 1997, Bình Dương có 6 khu công nghiệp tập trung, nằm ở hầu hết phía nam của tỉnh với diện tích quy hoạch 800 ha thì đến nay đã phát triển lên 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp tập trung, tổng diện tích trên 10.000 ha, được phân bố trên toàn tỉnh. Nhờ hạ tầng bảo đảm nên trong thời gian qua, tỉnh đã thu hút đầu tư hiệu quả với trên 26.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động, tổng số vốn 129.498 tỷ đồng và 2.768 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 25 tỷ USD.

Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa bế mạc đã đưa ra những định hướng cơ bản, đó là: Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mãng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại.

Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi để các hộ và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế Nhà nước có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Về phía Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; đặc biệt là phòng chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ lợi ích nhóm, “thao túng chính sách”, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính…

M.NGUYỄN

Nhìn chung, khu vực KTTN đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, khu vực KTTN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Chính vì thế, trong thời gian tới khu vực này vẫn cần được thúc đẩy phát triển hơn nữa bằng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về việc phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

KHÁNH VINH

 

 

 

Từ khóa: