Kinh tế trang trại và hiệu quả từ sản phẩm đặc trưng
(BDO) Tại huyện Bắc Tân Uyên, kinh tế trang trại góp phần quan trọng thúc đầy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm cho người lao động. Việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các trang trại đã nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm bưởi da xanh của trang trại Đoàn Minh Chiến được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, được dán nhãn hiệu nhận diện thương hiệu
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Phát huy lợi thế về khí hậu, đất đai, người dân ở các xã ven sông Đồng Nai và sông Bé thuộc huyện Bắc Tân Uyên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, việc phát triển các vùng chuyên cây ăn trái có múi tập trung ở một số xã, như Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An đã đưa Bắc Tân Uyên trở thành địa phương sản xuất tập trung cây ăn trái có múi lớn nhất tỉnh.
Xã Hiếu Liêm với tổng diện tích cây ăn trái có múi lớn nhất huyện gần 1.465 ha, quy tụ 48 trang trại hoạt động. Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã, cho biết một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh tế của xã hiện nay là làm kinh tế trang trại. Để các mô hình phát triển và mang lại hiệu quả, xã đã phối hợp cùng các ban ngành của huyện xuống cơ sở vận động người dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đến nay, có 20 trang trại trồng cây ăn trái có múi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 41/48 trang được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. UBND xã thường xuyên phối hợp Hội Nông dân tổ chức cho hội viên đăng ký cam kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn hàng năm.
Nhằm nâng chất sản phẩm chủ lực, các địa phương trên địa bàn huyện chú trọng thực hiện chương trình OCOP theo lĩnh vực trồng trọt tại các trang trại, đưa chương trình OCOP vào nghị quyết, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền để chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên.
Nâng chất sản phẩm
Đến nay, trên địa bàn huyện có 102 trang trại trồng trọt, trong đó hơn 250 ha diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP và hữu cơ. Huyện đã rất nỗ lực trong việc phát huy vai trò của chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai chương trình OCOP. Đặc biệt với vai trò là tổ chức đại diện cho đối tượng hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất ra sản phẩm OCOP, các cấp Hội Nông dân đã tham gia triển khai, nhân rộng chương trình, kết nối ngân hàng với hàng trăm chủ trang trại và hộ nông dân gắn với truyền thông về OCOP.
Với các giải pháp tích cực, năm vừa qua, trên địa bàn huyện có 3 trang trại đã vinh dự được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Cụ thể, bưởi da xanh của trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến (ấp Vườn Ươm, xã Tân Định), cam sành trang trại Lâm Thành Thanh (ấp Cây Dừng, xã Hiếu Liêm), cam sành và cam xoàn trang trại Việt Thái (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm).
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, vì một nền nông nghiệp sạch, bưởi da xanh tại trang trại Đoàn Minh Chiến được đầu tư công nghệ đạt chuẩn VietGAP, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, nơi đây trở thành một trong những trang trại lớn của tỉnh cả về quy mô lẫn doanh thu. Sản phẩm bưởi da xanh của trang trại tham gia sản phẩm OCOP và đạt tiêu chuẩn 3 sao đã khẳng định về chất lượng, sự đầu tư.
Những địa phương, đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP sẽ có rất nhiều thuận lợi. “Với 20 ha cam sành mỗi vụ trung bình tôi thu hoạch khoảng 40 tấn, có 5 ha được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh nhiều người biết đến trang trại, uy tín tăng lên tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ”, anh Lâm Thành Thanh, chủ trang trại Lâm Thành Thanh cho biết. Chương trình OCOP đã góp phần đổi khác tập quán canh tác lỗi thời, hướng tới nền kinh tế thị trường. Quan trọng nhất là tạo ra những loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, phân phối được trên thị trường.
Ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, cho biết tại huyện Bắc Tân Uyên rất nhiều nông dân có đầy đủ kinh nghiệm và tiềm lực để phát triển sản phẩm OCOP. Thực tế, những mẫu sản phẩm OCOP trải qua nhiều cơ quan đánh giá và thẩm định. Sau khi đạt được số sao, sản phẩm đặt dưới sự quản trị của cơ quan OCOP cấp tỉnh, không chỉ chất lượng mà hình thức mẫu sản phẩm cũng đặc biệt được chăm sóc.
TIẾN HẠNH