Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định

Thứ tư, ngày 23/11/2022

(BDO)  Năm 2022, TP.Thuận An đã tập trung triển khai thực hiện những giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Đến nay, tình hình kinh tế của TP.Thuận An tiếp tục đạt được nhiều kết quả, tăng trưởng ổn định.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Esqel Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP 1

 Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt

Đến nay, tình hình kinh tế của TP.Thuận An tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả. Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp trên địa bàn năm 2022 uớc thực hiện 256.750 tỷ đồng, tăng 6,85% so với cùng kỳ và đạt 100,8% Nghị quyết HĐND thành phố. Trong đó, các doanh nghiệp (DN) trong nước ước thực hiện 76.040 tỷ đồng, tăng 5,06% so với cùng kỳ, GTSX của DN trong nước chiếm 29,6% trong tổng GTSX công nghiệp trên địa bàn. DN có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 180.710 tỷ đồng, tăng 7,63% so với cùng kỳ, GTSX của DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70,4% trong tổng GTSX công nghiệp trên địa bàn.

Tính riêng 9 tháng năm 2022, tổng số 16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của thành phố đã có 8/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ (TM-DV) tăng so với cùng kỳ; một số khoản thu ngân sách đạt và vượt dự toán, bảo đảm nhu cầu chi an sinh xã hội, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. DN trên địa bàn tuy vẫn còn gặp khó, nhưng tiếp tục duy trì hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Esquel Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP 1, cho biết: “Mặc dù xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm ảnh hưởng đến đơn hàng của công ty, tuy nhiên hoạt động sản xuất của công ty vẫn ổn định, đơn hàng có đều. Đến nay, công ty đã ký đơn hàng đến hết quý I-2023”.

Cùng với ngành công nghiệp, lĩnh vực TM-DV của thành phố cũng tiếp tục phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước 93.030 tỷ đồng, tăng 23,02% so với cùng kỳ và đạt 100,02% Nghị quyết HĐND thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 32.843 hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh TM-DV, 5 siêu thị (1 siêu thị nhà sách Fahasa, 3 siêu thị điện máy xanh, 1 siêu thị điện máy Nguyễn Kim), 3 trung tâm thương mại đang hoạt động là Aeon, Minh Sáng Plaza và Lotte. Trên địa bàn có 22 chợ theo quy hoạch, trong đó chợ Lái Thiêu và chợ Búng do UBND phường Lái Thiêu và An Thạnh quản lý, 1 chợ hoạt động theo mô hình hợp tác xã và 19 chợ do tư nhân quản lý, 61 siêu thị mini (cửa hàng tiện ích).

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện những giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế. Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh thuận lợi, thành phố đã đẩy mạnh triển khai chương trình khuyến công năm 2022 trên địa bàn, phối hợp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh khảo sát 3 DN đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2022. Bên cạnh đó, thành phố đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, có kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn các mặt hàng thiết yếu, nhất là dịp cuối năm, lễ, tết”.

 Phát triển dịch vụ chất lượng cao

Thời gian còn lại của năm 2022, thành phố tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp về dự toán ngân sách Nhà nước và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022; xây dựng kế hoạch khuyến công 2023, qua đó bố trí nguồn kinh phí khuyến công hợp lý hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện văn minh thương mại, giải tỏa chợ tự phát và các điểm mua bán lấn chiếm lòng, lề đường trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch, phương hướng nhiệm vụ năm 2023, đôn đốc UBND các xã, phường đẩy mạnh công tác giải tỏa các điểm buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường theo kế hoạch đã đề ra; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các chợ, các cửa hàng kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, hóa chất trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục mời gọi và khuyến khích các thành phần kinh tế, tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị tăng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện tốt Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) hàng hóa dịp trước, trong và sau tết và cả năm 2023. Trên cơ sở quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, thành phố khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh phát triển các loại hình TM-DV, đặc biệt là phát triển các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích”.

 TP.Thuận An phấn đấu trong năm 2023 GTSX công nghiệp đạt 272.155 tỷ đồng, tăng 6%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 114.426 tỷ đồng, tăng 23%; GTSX nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 122,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2022.

 PHƯƠNG AN - DƯƠNG HUYỀN