Kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững
(BDO) Kiên trì việc phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững, 6 tháng đầu năm 2022, TX.Tân Uyên đang tiếp tục đà đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả.
Sản xuất công nghiệp đóng vai trò dẫn dắt cho sự phát triển kinh tế thị xã. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Điện tử Kim Sang ( TX.Tân Uyên)
Tăng trưởng toàn diện
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, đánh giá trong 6 tháng đầu năm, vượt lên thử thách, kinh tế - xã hội (KT-XH) của thị xã tiếp tục phát triển khá, mở ra hướng đi khả quan, phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19. Thị xã tiếp tục đà đổi mới, thúc đẩy tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để DN có điều kiện phát triển.
Đến ngày 30-6, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là 278,954/550,520 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch. Nguồn vốn tỉnh quản lý 162,688/330,610 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch. Nguồn vốn thị xã quản lý 116,266/219,910 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch. |
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp của thị xã đạt mức tăng trưởng khá và tiếp tục dẫn dắt nhiều lĩnh vực khác. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 12.970 tỷ đồng, tăng 11,92% so với cùng kỳ, đạt 39,34% so với Nghị quyết HĐND thị xã. Nhờ ổn định sản xuất công nghiệp dẫn tới đời sống công nhân ổn định. Giá trị thương mại và dịch vụ ước đạt 9.112 tỷ đồng, tăng 23,55% so với cùng kỳ, đạt 51,27% so với Nghị quyết HĐND thị xã. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản ước thực hiện 253 tỷ đồng, tăng 2,02% so cùng kỳ, đạt 40,16% so với Nghị quyết HĐND thị xã. Thu ngân sách Nhà nước 1.790 tỷ đồng, đạt 87% dự toán năm so với Nghị quyết HĐND thị xã…
“Để có kết quả này, UBND thị xã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển KT-XH trên các lĩnh vực; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo những điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh. Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện; giá trị giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm theo kế hoạch; thu, chi ngân sách tương đối khá, an sinh xã hội được bảo đảm”, ông Đoàn Hồng Tươi cho biết thêm. Ông Tươi khẳng định, thị xã tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, tạo điều kiện cho KT-XH tiếp tục phát triển trên nền tảng sẵn có.
Lực đẩy hạ tầng
Theo ông Lê Duy Hậu, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của UBND thị xã, ngành đô thị tập trung lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị theo định hướng phát triển xanh, bền vững, bảo đảm hạ tầng cho phương án phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, UBND tỉnh đã họp thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TX.Tân Uyên đến năm 2040, hiện đang chỉnh sửa theo ý kiến góp ý để trình UBND tỉnh phê duyệt. Thị xã hoàn chỉnh hồ sơ và trình Bộ Nội vụ thẩm định đề án thành lập TP.Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở chuyển đổi nguyên trạng diện tích, địa giới hành chính, dân số của TX.Tân Uyên; triển khai lập quy hoạch phân khu 4 phường: Hội Nghĩa, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh, Vĩnh Tân; điều chỉnh quy hoạch phân khu 6 phường: Uyên Hưng, Khánh Bình, Thái Hòa, Thạnh Phước, Tân Phước Khánh, Tân Hiệp; điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới 2 xã: Bạch Đằng và Thạnh Hội.
Ông Hậu cho biết, “vừa xây, vừa giữ”, công tác quản lý trật tự đô thị được thị xã đặc biệt chú trọng. UBND thị xã đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị năm 2021; triển khai nhiệm vụ và các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị theo chủ đề năm 2022. “Từ đầu năm đến nay, UBND thị xã đã ban hành 33 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, giảm 41 quyết định so với cùng kỳ, với số tiền 727 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả theo quy định. Để bảo đảm quy hoạch và tạo điều kiện cho người dân sinh sống, UBND thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã - phường rà soát về quy hoạch, đất đai tại các khu - điểm nhà ở tự phát để xem xét thực hiện chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, thị xã đang nghiên cứu, góp ý dự thảo văn bản để Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh về thống nhất điều kiện tối thiểu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở thực hiện chỉnh trang đô thị”, ông Hậu bày tỏ quyết tâm để chỉnh trang đô thị Tân Uyên theo hướng bền vững.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, công tác đầu tư xây dựng cơ bản TX.Tân Uyên đạt kết quả hết sức khả quan. Ông Bồ Quang Minh Trí, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã, cho biết ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã - phường khẩn trương thanh quyết toán vốn đầu tư năm 2021, đồng thời, triển khai thủ tục đầu tư các công trình trong kế hoạch đầu tư công năm 2022, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp. Đến nay, các xã - phường đã trình HĐND thị xã xem xét bổ sung danh mục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phát triển đô thị, thúc đẩy KT-XH của địa phương.
“Điều đáng phấn khởi là đến nay, thị xã đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường THPT Tân Phước Khánh, Khu công nghiệp VSIP III (phần diện tích thuộc địa bàn TX.Tân Uyên) và công trình xây dựng kè chống sạt lở cù lao Rùa (vị trí cổ Rùa). UBND thị xã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã - phường tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng các công trình, dự án như đường ĐH423, ĐH402, ĐH403, cầu Bạch Đằng 2 và đường dẫn vào cầu Bạch Đằng 2, kè chống sạt sở sông Đồng Nai (giai đoạn 2) và các công trình lưới điện...”, ông Trí phấn khởi nói.
TIỂU MY - VĂN DŨNG