Kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ
(BDO) 8 tháng năm 2022, các lĩnh vực kinh tế của TP.Thủ Dầu Một tiếp tục có mức tăng trưởng khá, hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi, nhiều doanh nghiệp (DN) đã khai thác hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ. Cùng với đó, thu ngân sách được bảo đảm, cung ứng hàng hóa ổn định, chỉ số giá trong tầm kiểm soát…
8 tháng năm 2022, TM-DV của TP.Thủ Dầu Một chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn thành phố phong phú, phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng
Thương mại - dịch vụ sôi động
Bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết 8 tháng qua thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả và tập trung đối với các kế hoạch khôi phục, phát triển hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN.
Theo đó, trong 8 tháng, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều DN đã khai thác hiệu quả các chương trình, chính sách kinh tế để mở rộng thị trường. Hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV) trở nên sôi động, nhiều hoạt động khuyến mại, kích cầu được các nhà bán lẻ triển khai mạnh. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 đạt gần 23.328 tỷ đồng, tăng 50,98% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đạt gần 162.000 tỷ đồng, tăng 24,19% so với cùng kỳ.
Tín hiệu đáng mừng, chỉ trong tháng 8, thành phố thực hiện cấp mới thêm 302 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 80,5 tỷ đồng. Số vốn đầu tư đăng ký hộ kinh doanh tăng cao so với tháng trước. Từ đó, tăng khả năng cung ứng, nâng mức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, góp phần thúc đẩy hoạt động TM-DV 8 tháng trên địa bàn duy trì ổn định.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN và tiểu thương tại các chợ chịu tác động bởi dịch bệnh, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường năm do tỉnh tổ chức, bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường. Nhìn chung, nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… dồi dào, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2022 giảm 0,37% so với tháng trước.
Ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thành phố xác định những tháng cuối năm tập trung phục hồi, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo, trong đó, đặt DN là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Tính đến tháng 8, nhiều DN sản xuất trên địa bàn thành phố đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là DN sản xuất các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm… Ước giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đạt trên 36.340 tỷ đồng, tăng 16,89% so với cùng kỳ. Kết quả ước thu ngân sách, đầu tư công và bồi thường giải tỏa lũy kế 8 tháng của năm 2022 đạt tỷ lệ khá so với kế hoạch.
Doanh nghiệp hoạt động tích cực
Bà Nguyễn Thu Cúc cho biết điểm sáng trong 8 tháng của nền kinh tế thành phố là tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối DN trong và ngoài nước có những tín hiệu tích cực. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tháng 8 tăng 3,68% so với tháng trước, tăng 51,09% so với cùng kỳ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4% so với tháng trước, tăng 45,23% so với cùng kỳ. Cùng với đó là công tác cải cách hành chính được bảo đảm triển khai thực hiện đạt hiệu quả với sự kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân được nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thu Cúc đánh giá các lĩnh vực kinh tế thành phố đang trên đà phục hồi khi TM-DV hoạt động sôi động, tiến độ thu ngân sách tốt. Ước tổng thu ngân sách Nhà nước từ phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đạt gần 7.168 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa do thành phố quản lý lũy kế 8 tháng đạt 82% so với chỉ tiêu dự toán tỉnh giao và nghị quyết HĐND thành phố. Ước tổng chi ngân sách địa phương lũy kế 8 tháng đạt gần 1.162 tỷ đồng, đạt 64% dự toán tỉnh và nghị quyết HĐND thành phố. Như vậy, thành phố có khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung được đề ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, kinh tế thành phố cũng còn một số tồn tại như đà phục hồi sản xuất công nghiệp chậm, giải ngân đầu tư công lũy kế 8 tháng vẫn thấp. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ DN từ các gói phục hồi, kích cầu chưa đạt yêu cầu, hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra, công tác lập hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… tiến độ vẫn còn chậm so với kế hoạch được duyệt. Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố rủi ro như dịch bệnh, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng…
Bà Nguyễn Thu Cúc nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022, ngoài những nhiệm vụ đã có trong chương trình, kế hoạch, UBND thành phố sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tập trung xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch của thành phố trong năm 2022; hoàn chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Bà cũng đặt ra yêu cầu các sở, ngành tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực TM-DV, công nghiệp; đồng thời các đơn vị liên quan cần sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi các chương trình, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo kế hoạch đề ra.
THANH HỒNG - CHÂU TIẾN