Kinh tế tiếp tục phát triển, an sinh xã hội bảo đảm

Thứ tư, ngày 28/07/2021

(BDO)  6 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng tình hình kinh tế của TP.Thuận An tiếp tục giữ đà tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu đạt và tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 TP.Thuận An triển khai cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Trong ảnh: Siêu thị Lotte Mart thực hiện hàng bình ổn giá, bảo đảm số lượng và chất lượng theo quy định

 Nhiều chỉ tiêu đạt và tăng so với cùng kỳ

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của TP.Thuận An vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước thực hiện 127.200 tỷ đồng, tăng 6,44% so với cùng kỳ, đạt 51,13% Nghị quyết HĐND thành phố. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước ước thực hiện 38.200 tỷ đồng, tăng 3,52% so với cùng kỳ, chiếm 30% tổng giá trị; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 89.000 tỷ đồng, tăng 7,75% so với cùng kỳ, chiếm 70% tổng giá trị. Các ngành có giá trị sản xuất tăng như chế biến thực phẩm và đồ uống, giày dép, sản phẩm may mặc, sản phẩm mộc, các sản phẩm từ kim loại.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 2.126 tỷ đồng, đạt 57,23% so với dự toán UBND tỉnh giao và Nghị quyết HĐND thành phố, bằng 99,4% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 502,9 tỷ đồng, đạt 34,02% dự toán UBND tỉnh giao và Nghị quyết HĐND thành phố, bằng 85,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 39.850 tỷ đồng (tăng 5,56% so với cùng kỳ), đạt 44,56% so với Nghị quyết HĐND thành phố. 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp 1.446 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ gia đình với tổng vốn 336,9 tỷ đồng. Song song đó, thành phố tăng cường quản lý chợ, siêu thị, cửa hàng thương mại trên địa bàn theo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động kinh doanh nhằm xử lý việc đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND thành phố đã tập trung triển khai nghiêm túc, linh hoạt, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Nghị quyết của Thành ủy và HĐND thành phố sát với tình hình thực tế của địa phương. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, UBND thành phố đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, sát thực tiễn để kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ tăng so với cùng kỳ; chi ngân sách bảo đảm theo dự toán, chi tiết kiệm và hiệu quả đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sử dụng ngân sách”.

Bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Thuận An, một số chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động hoặc phong tỏa, một số khu vực bị phong tỏa… dẫn đến xuất hiện tình trạng hàng hóa bị thiếu hụt cục bộ, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng. Trước tình hình đó, nhằm bảo đảm việc lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các xã, phường cho người dân được liên tục, xuyên suốt không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ và lợi dụng tình hình đầu cơ, tăng giá quá mức, UBND TP.Thuận An đã triển khai kế hoạch bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các xã, phường.

Ông Trương Công Thạch, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Thuận An, cho biết: “Để phát triển mạng lưới, thành phố khuyến khích các đơn vị tham gia chú trọng phát triển điểm bán hàng bình ổn giá tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân. Tích cực tổ chức các chuyến hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường”. Được biết, dự kiến kinh phí bình ổn giá hàng hóa thiết yếu trong và sau dịch bệnh Covid-19 hơn 53,4 tỷ đồng. Các đơn vị tham gia gồm Siêu thị Lotte Mart, Siêu thị Aeon, hệ thống cửa hàng tiện ích như Vincommerce chi nhánh Bình Dương (32 cửa hàng), Family Mart (3 cửa hàng), Bách hóa xanh (22 cửa hàng), Co.op Mart (5 cửa hàng), hệ thống bưu cục trên địa bàn thành phố và 22 chợ truyền thống (với 2.462 sạp, ki-ốt) trên địa bàn các xã, phường triển khai. Hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường gồm nhóm lương thực (gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh); nhóm thực phẩm (muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, sản phẩm chế biến từ thịt (lạp xưởng, giò, chả, nem chua, thịt nguội, xúc xích), bánh, mứt, kẹo, hạt các loại, sữa các loại; nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây).

Ghi nhận tại một số địa điểm triển khai thực hiện, hàng hóa thiết yếu cung cấp cơ bản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ theo quy định và bình ổn giá, không tăng so với thị trường. Các sản phẩm cung cấp được niêm yết giá công khai tại các khu vực cung cấp trên địa bàn TP.Thuận An. Ông Ngô Trọng Nghĩa, Bí thư Đảng ủy phường Bình Hòa, TP.Thuận An, cho biết triển khai kế hoạch, phường rất quan tâm đến 3 khu phố bị phong tỏa là Đồng An 1, Đồng An 2, Đông Ba. Để bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân tại 3 khu vực bị phong tỏa, phường đã vận động chủ nhà trọ cùng với địa phương hỗ trợ. Ngoài ra phường phối hợp Phòng Kinh tế thành phố, liên hệ Siêu thị Lotte Mart Bình Dương mua một số lương thực, thực phẩm vào cung ứng cho bà con.

Ông Phạm Phú Hiển, Giám đốc Siêu thị Lotte Mart, TP.Thuận An, cho biết: “Hiện tại Siêu thị Lotte Mart đã tăng cường dự trữ lượng hàng gấp 5 - 6 lần so với ngày bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống bảo đảm chất lượng, số lượng. Các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường đều được niêm yết giá, giá các mặt hàng không tăng so với bình thường. Hiện kinh phí hàng dự trữ bình ổn tồn kho của siêu thị lên tới 45 tỷ đồng. Nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, theo chỉ đạo của Sở Công thương và UBND TP.Thuận An, siêu thị đã sắp xếp cho người dân đến mua theo một chiều vào và một chiều ra, sắp xếp ghế ngồi chờ theo cự ly cách 2m, mỗi lần vào siêu thị 20 người và thực hiện yêu cầu theo đúng thông điệp “5K” của Bộ Y tế...

 Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An: “Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2021, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, trong 6 tháng cuối năm 2021 cần tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kiên định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch bệnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép hài hòa các giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” tùy vào tình hình thực tế. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống phát sinh, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm Chỉ thị 16 theo quy định. Bên cạnh đó, thành phố tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về dự toán ngân sách Nhà nước và hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH năm 2021. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán thu, chi ngân sách và đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, có kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn các mặt hàng thiết yếu dịp khai giảng năm học mới, dịp cuối năm, lễ, tết”.

 PHƯƠNG AN - C.T.V