Kinh tế thương mại - dịch vụ huyện Bàu Bàng: Những thay đổi tích cực

Thứ hai, ngày 05/04/2021

(BDO)  Sau gần 7 năm xây dựng và phát triển, huyện Bàu Bàng đã có những thay đổi tích cực, phát triển nhanh cả lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Bàu Bàng đang hứa hẹn trở thành trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - đô thị phía bắc của tỉnh.

 Tiểu thương mua bán ở chợ Lai Khê, huyện Bàu Bàng

Sức hút mạnh

Từ một vùng đất thiên về lĩnh vực nông nghiệp, thị trường bất động sản không được chú ý, hoạt động thương mại - dịch vụ (TM-DV) hết sức bình lặng, với việc xuất hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đã thúc đẩy lĩnh vực TM-DV phát triển mạnh. Hiện đã có rất nhiều hộ gia đình là người địa phương, cũng như người mới đến lập nghiệp, chú ý khai thác kinh doanh lĩnh vực đầy sức hút này.

Chủ quán cà phê tại đường NC, Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng, cho biết cách đây vài năm gia đình bà sống nhờ vào mấy sào ruộng nên thiếu thốn nhiều mặt. Từ năm 2017, khu vực này ngày càng sầm uất, bà mạnh dạn vay tiền để đầu tư kinh doanh quán cà phê. Nhờ đó, gia đình có cuộc sống ổn định, thu nhập ngày càng tăng. Tương tự, chủ cửa hàng tạp hóa Hồng Phượng, chợ Lai Khê, huyện Bàu Bàng, cho biết mấy năm trước bà buôn bán tạm bợ dọc trục đường Quốc lộ 13. Được sự vận động của chính quyền địa phương bà mạnh dạn đăng ký một sạp kinh doanh tại chợ. Việc kinh doanh ngày càng phát triển nhờ người lao động từ nơi khác đến làm việc, sinh sống tăng nhanh.

Sự phát triển nhanh về nhiều mặt của địa phương không chỉ thu hút người địa phương mà ngay cả các doanh nghiệp TM-DV từ nơi khác cũng tìm đến để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Một nhân viên quản lý cửa hàng Bách hóa xanh trên trục đường Quốc lộ 13, huyện Bàu Bàng, cho hay công ty nhận thấy tiềm năng từ thị trường cũng như mức sống của người dân nơi đây bắt đầu có sự thay đổi, nên đã đã tiến hành khảo sát và đặt cửa hàng kinh doanh. “Chúng tôi tập trung đáp ứng 3 yếu tố lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng đó là bảo đảm chất lượng, sản phẩm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá luôn thấp hơn so với các chợ truyền thống. Cùng với đó là đội ngũ nhân viên thân thiện và nhiệt tình. Thời gian tới, Bách hóa xanh sẽ tiến hành mở rộng thêm nhiều cửa hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương ngày một tăng”, nhân viên quản lý cửa hàng Bách hóa xanh cho biết thêm.

Tiềm năng lớn

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết dù còn khó khăn nhiều mặt nhưng kể từ ngày thành lập đến nay, kinh tế huyện phát triển tích cực. Hưởng lợi từ các chính sách phát triển của tỉnh, phát huy được những lợi thế của huyện, địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng để tiếp tục phát triển một cách bền vững.

Theo đó, đối với lĩnh vực TM-DV huyện triển khai thực hiện cải tạo hệ thống chợ truyền thống thông qua vận động doanh nghiệp đầu tư theo chuẩn nông thôn mới. Đến nay, huyện đã vận động đầu tư xã hội hóa 9 chợ truyền thống, gồm 1 chợ trung tâm huyện và 8 chợ tại các xã, tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng. Số cơ sở hoạt động trong ngành TM-DV của huyện cũng tăng qua các năm, bình quân tăng 6,3 - 8,95%. Giá trị lĩnh vực TM-DV của huyện mỗi năm tăng từ 20 - 25%. Trong quý I-2021, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến theo hướng không thuận lợi cho hoạt động TM-DV, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt gần 1.255 tỷ đồng, tăng 16,05% so với cùng kỳ năm 2020.

Để đạt được kết quả nói trên, trước hết là nhờ huyện xác định đúng tiềm năng, điều kiện phát triển của địa phương đối với những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch sát với đặc điểm tình hình và yêu cầu, định hướng phát triển huyện nhà trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện quyết liệt trong chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực. “Huyện cũng phối hợp tốt với các sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp lớn ngay từ sau quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch. Đồng thời, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong huyện đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện các giải pháp địa phương đề ra. Từ đó, tạo bước phát triển khá nhanh trên nhiều lĩnh vực, nhất là TM-DV”, ông Võ Thành Giàu cho biết thêm.

Để lĩnh vực TM-DV tiếp tục phát triển, thời gian tới huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trong các khu dân cư tập trung, hoàn thành hệ thống chợ nông thôn, cải tạo và nâng cấp các chợ hiện có, khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa và hệ thống bán lẻ trên địa bàn… Thực hiện tốt các giải pháp trên, huyện Bàu Bàng sẽ có bước đột phá mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.  

THANH HỒNG