Kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp tăng niềm tin
(BDO) 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Tuy nhiên, bằng những giải pháp trọng tâm để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của tỉnh, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương vẫn duy trì ở mức cao.
Với nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi tích cực. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Foster ViệtNam (Khu công nghiệp VSIP II)
Chuyển biến tích cực
Ông Ngô Văn Mít, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, diễn biến kinh tế, địa chính trị trên thế giới đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự chung sức của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2023. Có 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, tăng từ 0,09 - 7,4%. Tăng thấp nhất là nhóm hàng bưu chính, viễn thông 0,09%, cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,4%... |
Theo đó, ước trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2023, tốc độ phát triển cao hơn cùng kỳ các năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; công nghiệp và xây dựng tăng 5,81% so với cùng kỳ, đóng góp 4 điểm phần trăm; dịch vụ tăng 7,36% so với cùng kỳ, đóng góp 1,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,2% so với cùng kỳ, đóng góp 0,56 điểm phần trăm.
Theo khảo sát, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với những khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng, thiếu vốn và lao động có kỹ năng... Tuy nhiên, nhờ kịp thời ban hành nhiều chính sách phù hợp, cùng với các biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, sản xuất công nghiệp tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2023; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 28.830 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch của năm 2024.
Những tín hiệu phục hồi đã tiếp tục tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tính đến ngày 15-6-2024, ghi nhận có 3.292 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh mới, tăng 15,4% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký 18.600 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 69.128 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số hơn 759.000 tỷ đồng. Riêng đầu tư nước ngoài đã thu hút 633 triệu USD, đến nay toàn tỉnh có 4.313 dự án với tổng vốn 40,7 tỷ USD.
Củng cố niềm tin phát triển
Trong 6 tháng đầu năm vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh thực hiện 68.900 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Các dự án giao thông kết nối giữa Bình Dương và các tỉnh trong vùng được chú trọng đầu tư, tạo động lực đóng góp tích cực để kích thích nền kinh tế. Tiến độ thi công, giải ngân các công trình trọng điểm, như: Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng… đang được đẩy nhanh, là “đòn bẩy” quan trọng để kéo nhiều lĩnh vực khác tăng trưởng.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tỷ giá VND/USD tăng, dẫn đến chi phí nguyên vật liệu tăng, giá thành sản phẩm tăng, giá cước vận tải tàu biển tăng. Từ tháng 7-2022 đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương luôn dao động ở mức từ 2,6 - 2,8 tỷ USD/ tháng, chưa thể khôi phục bằng mức xuất khẩu trước đó vào khoảng 3,4 tỷ USD/tháng.
Tuy nhiên, trước những nỗ lực của các cấp, các ngành cũng như của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tìm kiếm thị trường, khách hàng mới đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu của tỉnh tăng so với cùng kỳ 2023. Cụ thể, thị trường Mỹ tăng 10,7%, EU tăng 10,5%, Nhật Bản tăng 9,3%, Hàn Quốc tăng 8,4%, Canada tăng 5,9%... Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện điện tử và một số nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp.
Khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh tại 422 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê tỉnh cho biết có 38,8% dự báo tình hình quý III- 2024 sẽ tốt hơn quý II; 39% dự báo tình hình quý III-2024 ổn định và 22,2% dự báo tình hình khó khăn hơn. Rõ ràng những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã củng cố niềm tin phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
MINH DUY