Kinh tế số sẽ tăng tốc
(BDO) Thực tế cho thấy, trong những năm qua, thương mại điện tử (TMĐT) đang dần trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của doanh nghiệp (DN) và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người tiêu dùng cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Năm 2023, nhiều chuyên gia nhận định, trợ lực quan trọng nhất để kinh tế số phát triển ngoạn mục là những chiến lược đột phá cho TMĐT. Với Bình Dương, lãnh đạo tỉnh xác định việc chú trọng phát triển lĩnh vực TMĐT có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết và sẽ là “bàn đạp” thúc đẩy nền kinh tế số tăng tốc trong những năm tới.
Để TMĐT tiếp tục phát triển, thể hiện vai trò, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, trong chương trình hành động của Bộ Công thương vừa ban hành yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm và nhất là các vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, hàng hóa gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chú trọng tổ chức triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025; bảo đảm thị trường TMĐT lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, ưu tiên hỗ trợ ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng. Bên cạnh đó, với những lợi thế sẵn có, Bình Dương tiếp tục phát triển nền tảng TMĐT thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối nhỏ và vừa, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty TMĐT. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.
Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển TMĐT. Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về hạ tầng TMĐT, giao dịch điện tử và kinh tế số. Ngành công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN nhỏ và vừa phương thức phát triển TMĐT, thông qua những nền tảng như Zalo, Tiktok… đang phát triển mạnh. Tiếp tục tạo điều kiện để các DN gặp gỡ, trao đổi với các sàn TMĐT đểlên phương án chuẩn bịtốt nguồn cung ứng hàng hóa, sản phẩm thông qua phương thức giao dịch trực tuyến.
KHẢI ANH