Kinh tế sinh vật cảnh: Mang lại hiệu quả cao
(BDO) Định hướng phát triển ngành nghề sinh vật cảnh (SVC) rất phù hợp với thực trạng về quỹ đất nông nghiệp đang ngày một thu hẹp, thích hợp với phát triển nông nghiệp đô thị. Dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương”, đã và đang phát triển, đạt được một số kết quả tốt, đem lại thu nhập cao cho người dân, từng bước đưa SVC thành hoạt động kinh tế có đóng góp đáng kể cho sự phát triển địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng lan mokara cắt cành của hộ nông dân Nguyễn Văn Thành (xã An Điền, TX.Bến Cát) vừa được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ cung cấp giống lan thuộc dự án đã mang lại hiệu quả
Ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng
Dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022” đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngay khi dự án được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo giao Chi cục Phát triển nông thôn triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, chi cục đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bám sát mục tiêu và nội dung dự án. Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức bàn giao hỗ trợ giống bonsai, cây cảnh - lan mokara thuộc dự án “Hình thành vùng chuyên sản xuất và cung ứng các loại sinh vật cảnh vùng phía nam Bình Dương, giai đoạn 2018-2022”. Đến nay, Chi cục Phát triển nông thôn đã bàn giao 2.700 cây giống bonsai, cây cảnh - lan mokara cho các hộ nông dân ở phường Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên); xã Phú An, An Điền và phường Mỹ Phước (TX.Bến Cát), với kinh phí thực hiện 229 triệu đồng.
Theo ghi nhận của phóng viên, các hộ nông dân được hỗ trợ cây giống rất vui mừng trước sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp và mong muốn được các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về vốn vay, hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi để hội viên nông dân yên tâm đầu tư sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thành (hộ nông dân ở xã An Điền, TX.Bến Cát) bày tỏ cảm xúc rất vui mừng khi tham gia dự án “Hình thành vùng sản xuất và cung ứng các loại SVC vùng phía nam Bình Dương giai đoạn 2018-2022”. “Khi được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ giao 1.200 cây giống lan mokara, tôi sẽ cố gắng phát triển vườn lan của mình để mang lại hiệu quả kinh tế. Đồng thời, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân tại địa phương để cùng nhau phát triển kinh tế”, ông Thành cho hay.
Ngoài ra, Chi cục Phát triển nông thôn còn phối hợp với Hội SVC và Hội Cá cảnh Bình Dương tổ chức 6 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật sản xuất với 300 người tham dự. Hình thành chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm SVC như đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 3 cửa hàng ở TX.Tân Uyên, TP.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một với số tiền gần 150 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa SVC cho Công ty TNHH Aquaponics Tomachan với hoạt động chính là trồng rau, nuôi cá và 1 hộ Đặng Thị Mỹ (phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên) với hoạt động trồng cây cảnh, bonsai; phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật vận động các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân tham gia hội thi hoa lan năm 2022 với chủ đề “Kết nối đam mê”…
Cửa hàng cá cảnh Đồng Thị (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) với mô hình sản xuất, kinh doanh cá cảnh cho doanh thu trung bình hàng năm trên 1 tỷ đồng. Anh Nguyễn Trọng Dương, Phó Chủ tịch Hội Cá cảnh tỉnh, chủ cửa hàng cá cảnh Đồng Thị, cho biết cửa hàng cá cảnh của anh trong thời gian qua luôn được Chi cục Phát triển nông thôn hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, trang thiết bị, bảng hiệu giới thiệu sản phẩm cửa hàng. “Cửa hàng luôn giữ gìn, bảo quản tốt thiết bị. Thời gian tới, ngoài việc kiếm thêm thu nhập cho gia đình, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp nhiều hộ nuôi cá cảnh trên địa bàn tỉnh để tăng lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài”, anh Dương chia sẻ thêm.
Mang lại hiệu quả cao
Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhiều nơi hoạt động hội và phong trào SVC diễn ra khá mạnh. Hiệu quả từ ngành kinh tế SVC đang mang đến sự đổi thay về bộ mặt nông thôn, cũng như phát triển về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Lê Châu Ân, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác - Phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), cho biết chi cục vừa tổ chức giám sát và phối hợp các Phòng Kinh tế TP.Thuận An, TX.Bến Cát giám sát 7 hộ tham gia dự án SVC năm 2021, gồm: 2 hộ bonsai, 2 hộ lan, 3 cửa hàng và khảo sát 1 hộ đăng ký tham gia dự án năm 2022. Kết quả, các hộ được hỗ trợ thực hiện dự án đã làm tốt việc chăm sóc lan và các cửa hàng bảo quản thiết bị cửa hàng tốt. Đồng thời, Chi cục Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị thời gian tới tiếp tục duy trì và phát triển giống và thương hiệu cửa hàng. Năm 2022, chi cục tiếp tục hỗ trợ ứng dụng công nghệ kỹ thuật, đào tạo tập huấn kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ giống, vật tư sản xuất; tổ chức tham quan học tập và tổ chức hội nghị kết nối cung cầu cho các sản phẩm SVC.
Trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất, hình thành các ngành sản xuất mới thích ứng với điều kiện giảm về diện tích sản xuất và giảm về lao động, Bình Dương đã xác định nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là định hướng phát triển của sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.
Ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội SVC tỉnh, cho biết hiện nay nhiều nhà vườn, nghệ nhân, nông dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen các loại cây SCV để tạo thêm thu nhập. Dự án hình thành vùng SVC phía nam là một việc hết sức có ý nghĩa, góp phần SVC tỉnh nhà phát triển có giá trị kinh tế cao. Hiện, Chi cục Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng Hội SVC tỉnh triển khai dự án bước đầu đã có kết quả tích cực đáng ghi nhận. Thời gian tới, Hội SVC tỉnh sẽ tiếp tục có định hướng phát triển lâu dài; trong đó, tập trung phát triển, hướng dẫn, tập huấn cho những người yêu thích SVC có thể biết về kỹ thuật, tạo dáng, để tạo ra những tác phẩm đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân.
THOẠI PHƯƠNG - THẢO TRÚC