Kinh tế quý I: Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu

Thứ bảy, ngày 30/03/2024

(BDO) Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong quý I/2024 của Việt Nam có những khởi sắc và đạt được kết quả tích cực.


Sản phẩm rau củ chế biến xuất khẩu đi Nhật Bản.

Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đã có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái được xem là tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Quý I/2024, tổng kim ngạch hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%); nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%).

Cũng trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%), nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái (quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).

Trong quý I/2024, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 26,2%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (tăng 13,9%), cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đáng lưu ý, trong quý I, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,09% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: cà phê tăng 54,2%; gạo tăng 40%; chè các loại tăng 27%; rau quả tăng 25,8%; nhân điều tăng 20,5%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 21,1%. 

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng đó, có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 76,1% tổng kim ngạch nhập khẩu; trong đó, 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 40,3%. Cán cân thương mại tháng 3/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,93 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong quý lên mức 8,08 tỷ USD.

Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) cho biết: Tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn duy trì ở mức độ thấp. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 dự kiến đạt 3,1% tương đương với mức tăng trưởng năm 2023; Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn năm 2023 nhưng đang từng bước cải thiện vững chắc.

Cùng đó, Nhật Bản tăng trưởng không được như năm 2023 và chưa thấy có sự cải thiện trong những tháng gần đây. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn không tăng mạnh nhưng vẫn tiếp tục dịch chuyển sang các nước châu Á; trong đó, có Việt Nam. Thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo tăng trưởng vẫn khiêm tốn, có sự cải thiện nhưng không nhiều, lạm phát kinh tế thế giới được kiểm soát và có xu hướng hạ dần nhưng vẫn ở mức cao…

Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động phức tạp của địa chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào góp phần kiểm soát lạm phát. 

Theo ông Bùi Huy Sơn, nhìn chung, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.

Cụ thể, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Hơn nữa, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024.

Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ đối với Việt Nam...

Thế nhưng, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; tăng trưởng kinh tế thế giới và các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ trong năm 2024 được dự báo thấp hơn so với năm 2023. Hơn nữa, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác; xu hướng phi toàn cầu hoá đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. 

Đáng lưu ý, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Dù kết quả trong quý I/2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn. Chẳng hạn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững. Ngoài ra, năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các đối tác lớn…

Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Thời gian tới ngành công thương sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024  và Nghị quyết 02/ NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 của Chính phủ.

Ngoài ra, ngành sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từng thị trường; duy trì đều đặn hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. 

Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, tới đây Bộ Công Thương tập trung khai thác có hiệu quả các FTA, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. 

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đặc biệt tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.

Theo TTXVN

Từ khóa: