Kinh tế phục hồi nhanh, duy trì phát triển
(BDO) Trong bối cảnh chung sống với Covid-19, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng càng thể hiện quyết tâm phấn đấu vượt khó, hoàn thành các mục tiêu đề ra, mà trước tiên là cố gắng phục hồi và phát triển kinh tế trở lại.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại một cửa hàng trên địa bàn thị trấn Dầu Tiếng
Kinh tế tăng trưởng
Báo cáo của UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện trong năm 2021 ước đạt khoảng 19.986 tỷ đồng, tăng 13,24% so cùng kỳ năm 2020. Dù có nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng nhìn chung sự tăng trưởng chung của nền kinh tế huyện Dầu Tiếng cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, chỉ số kinh tế toàn huyện năm 2021 đã đạt 99,19% so kế hoạch đề ra trước đó. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 9.264 tỷ đồng, tăng 18%, đạt 98,33% so kế hoạch. Giá trị thương mại - dịch vụ đạt 6.184 tỷ đồng, tăng 12,5%, đạt 99,56% so kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4.538 tỷ đồng, tăng 5,5%, đạt 100,5% so kế hoạch.
Là địa phương có tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển ngành nông nghiệp, thời gian qua huyện Dầu Tiếng đã vận động, hướng dẫn người dân tổ chức tái cơ cấu nền nông nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến diện tích trồng cây cao su trên địa bàn huyện có xu hướng giảm hàng năm. Tương ứng với diện tích đất trồng cao su sụt giảm là sự gia tăng mạnh diện tích đất trồng trọt, chăn nuôi với hàng loạt mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, tính đến cuối năm 2021, toàn huyện đã có 760ha đất trồng cây ăn trái, tăng 8,57% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu trên địa bàn huyện cũng tăng nhẹ với mức tăng tương ứng 1,66% so với năm trước, nâng tổng lũy kế diện tích trồng lương thực, hoa màu lên 4.905ha. Ông Tuyên cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời triển khai thực hiện các công trình thuộc Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi huyện Dầu Tiếng cũng bắt đầu có xu hướng phát triển. Từ những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, những năm qua đã có nhiều nông hộ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền hiện đại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã có 252 trang trại chăn nuôi. Trong đó có 123 trại gia cầm, 129 trại nuôi gia súc, tăng 5,9% so với năm 2020. Ước tổng đàn gia súc toàn huyện hiện có khoảng 205.310 con, tổng đàn gia cầm 3,35 triệu con.
Công nghiệp, dịch vụ sôi động trở lại
Sau thời gian dài chung tay phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19, những ngày cuối năm 2021, huyện Dầu Tiếng đang tập trung toàn lực để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường. Ngoài chính sách hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí đồng thời kêu gọi, vận động công nhân lao động trở lại nhà máy làm việc, huyện Dầu Tiếng còn thúc đẩy tiến trình xây dựng các cụm công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành. Đến nay, huyện đang triển khai xây dựng Cụm công nghiệp An Lập; đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ trình tỉnh thành lập Cụm công nghiệp Long Tân. Phối hợp với Sở Công thương rà soát, định hướng để lập phương án phát triển của ngành công thương tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện cũng bắt đầu ổn định và sôi động trở lại. Được sự hỗ trợ của tỉnh và các doanh nghiệp đứng đầu trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường nên số lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Nhận định của lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn nhưng thị trường tiêu dùng trên địa bàn huyện vẫn khá sôi động. Điều may mắn là hầu hết người dân đều ý thức được nguy cơ dịch bệnh nên luôn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia giao dịch.
Có mặt tại thị trấn Dầu Tiếng vào những ngày cuối năm 2021, chúng tôi ghi nhận không khí mua sắm, tiêu dùng của người dân nơi đây gần như trở lại như trước dịch bệnh. Theo đó, dù nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng sức mua của người dân địa phương vẫn có xu hướng duy trì ở mức bình ổn so với cùng kỳ năm 2020. Minh chứng rõ nhất là hàng hóa thường xuyên được thương lái, chủ doanh nghiệp nhập mới và bày trí lên các sạp - quầy hàng, trong khi đó lượng hàng tồn dễ hư hỏng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản như rau củ quả đã được tiêu thụ hết.
Tương tự thị trấn Dầu Tiếng, hoạt động mua sắm của người dân ở các xã Long Hòa, Thanh Tuyền… cũng được duy trì ở mức bình ổn và có phần nhỉnh hơn so với năm 2020. Trao đổi với phóng viên, bà Phan Hồng Xinh, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa cho biết, dù vẫn đang hết sức cảnh giác với dịch bệnh Covid-19, nhưng hầu hết các cửa hàng, quán sá đều đã nhập đủ lượng hàng để bán cho dịp năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Bà Nguyễn Thị Gái Sáu, chủ tiệm tạp hóa, sạp rau, củ, quả ở xã Thanh Tuyền cho biết, ngoại trừ mặt hàng rau, củ, quả vẫn được nhập về bán đều đặn hàng ngày thì bà cũng đã nhập về một lượng lớn các mặt hàng là thực phẩm, nhu yếu phẩm… để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của bà con.
ĐÌNH THẮNG