Kinh tế phát triển ổn định, bảo đảm hoàn thành kế hoạch
(BDO)
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Pungkook Sài Gòn (KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An). Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Kinh tế cả nước duy trì đà tăng trưởng khá
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 6,76%. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%) - là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 745.485 tỷ đồng, tăng 13,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 245,48 tỷ USD, tăng 9,05%; ngành công nghiệp tăng 9,13%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 3 năm qua; vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 9,1 tỷ USD...
Trong những tháng còn lại của năm 2019, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục chuyển biến tích cực nhờ chính sách và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và vi mô, cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước nhà tiếp tục được hỗ trợ bởi cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ nhờ có dòng vốn tăng từ du lịch, kiều hối và FDI, tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua 6 tháng triển khai Nghị quyết số 01/ NQ-CP của Chính phủ và 3 tháng triển khai Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ 2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, nhìn chung, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp đề ra; các nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý II cơ bản đáp ứng đúng tiến độ, trong đó đã hoàn thành 60% nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP, 67% nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nước ta cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát...
Bên cạnh đó, động lực hỗ trợ tăng trưởng cả phía cung và phía cầu trong nước, trong đó tiêu dùng cá nhân tăng mạnh; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ tiếp tục phát triển; nông nghiệp dần phục hồi.
Bình Dương: Hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng cao
Trong 6 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đã đạt được kết quả toàn diện. Cụ thể, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu tăng trưởng cao so với cùng kỳ, duy trì tốc độ tăng trưởng dự kiến hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2019. Đặc biệt, hiện nay một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2016-2020, như thu hút vốn FDI đạt 8,4 tỷ USD (kế hoạch trên 7 tỷ USD); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100% kế hoạch; số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm đạt 47.000 người (kế hoạch 45.000 người)...
Các chỉ tiêu của tỉnh tăng trưởng ổn định, như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,09%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 40.623 tỷ đồng, tăng 12,02%; thu ngân sách ước thực hiện 28.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Về công nghiệp, thương mại - dịch vụ của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định; thị trường xuất khẩu được mở rộng và duy trì thặng dư thương mại; hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp xã. Đối với công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy rừng, phòng chống lụt bão tiếp tục được tỉnh quan tâm. Về chế độ, chính sách cho các đối tượng tiếp tục được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm tốt công tác đào tạo lao động và giải quyết việc làm; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo...
Kết quả nổi bật trong 6 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 8,08%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 111.415 tỷ đồng, tăng 15,8%; kim ngạch xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng khá, duy trì thặng dư thương mại 3,4 tỷ USD...
PHƯƠNG LÊ