Kinh tế phát triển ngày càng bền vững

Thứ sáu, ngày 15/09/2023

(BDO) Về huyện Dầu Tiếng, đến với các xã, thị trấn trên những con đường mới khang trang, sạch đẹp để cảm nhận diện mạo của huyện nông thôn đang dần đổi thay từng ngày. Thành quả này chính là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, từng người dân đã chung tay, góp sức xây dựng kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

 Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản là tiềm năng để huyện Dầu Tiếng phát triển du lịch nông thôn. Trong ảnh: Vườn cây măng cụt 5.000m2 của hộ ông Huỳnh Văn Đường, ấp Rạch Kiến, xã Thanh Tuyền

 Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng

Dù ảnh hưởng chung của tình hình thế giới và giai đoạn sau dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế huyện Dầu Tiếng tiếp tục có mức tăng trưởng khả quan. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm nhanh tỷ trọng khu vực I (nông lâm nghiệp và thủy sản) để tăng tỷ trọng khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (dịch vụ - thương mại).

Theo định hướng phát triển của Đề án nông nghiệp nông dân nông thôn được tỉnh phê duyệt đến năm 2030, huyện Dầu Tiếng chia thành 3 tiểu vùng. Vùng đô thị trung tâm hành chính, dịch vụ công nghiệp và du lịch sinh thái (thị trấn Dầu Tiếng, xã Định Thành, xã Thanh An và một phần các xã Định Hiệp, An Lập và Thanh Tuyền); vùng phát triển đô thị công nghiệp và dịch vụ (xã Long Hòa, Long Tân và một phần các xã An Lập, Thanh Tuyền); vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái (xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Định An, Minh Tân và một phần phía bắc xã Định Hiệp). Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm ngư nghiệp trên địa bàn huyện có tốc độ tăng khá, các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ có tốc độ tăng khá cao nhưng do điểm xuất phát thấp nên không tác động nhiều đến toàn nền kinh tế huyện.

Nói về hoạt động công nghiệp trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Huyện tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp Thanh An, An Lập. Huyện cũng tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện dự án quy hoạch mở rộng khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân (huyện Dầu Tiếng). Tính đến nay, toàn huyện có 36 doanh nghiệp chế biến nông sản, 11 cơ sở giết mổ động vật. Đặc biệt, tỉnh đã cấp phép cho Công ty Cổ phần 3F Việt đầu tư xây dựng tại xã An Lập với công suất giết mổ 24.000 con gia cầm/ngày đêm. Các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ động vật được thành lập đáp ứng đủ công suất cung cấp thịt tươi sống cho thị trường trong và ngoài huyện”.

Trên địa bàn huyện còn có các cơ sở chế biến nông sản khác, gồm 3 nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, 5 công ty chế biến mủ cao su tư nhân, nhà máy xay xát... Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định, đáp ứng một phần nhu cầu chế biến nông sản, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp cho ngân sách địa phương.

Tiếp tục các giải pháp quan trọng

Theo quy hoạch sử dụng đất, đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 6 khu công nghiệp, 13 cụm công nghiệp và dự kiến sẽ không cấp phép sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp. Huyện định hướng ưu tiên mời gọi các dự án đầu tư phát triển, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng khoa học công nghệ, khuyến khích đi sâu chế biến các mặt hàng nông nghiệp tại địa phương để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.

Các lĩnh vực công nghiệp cần ưu tiên đầu tư, gồm: Chế biến thức ăn gia súc; giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến sản phẩm chăn nuôi; sơ chế, bảo quản trái cây; đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm là thực phẩm sau chế biến. Huyện cũng di dời các cơ sở chế biến mủ cao su vào các khu, cụm công nghiệp, hình thành công xưởng gỗ, là nơi sơ chế, dự trữ gỗ để cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ cho tỉnh và các tỉnh Nam bộ.

Trong khi đó, dịch vụ nông thôn chú trọng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng chú trọng vào xây mới các chợ ở những xã có nhu cầu và nâng cấp mạng lưới chợ hiện tại. Huyện cũng chủ động mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại thị trấn và các xã dự kiến nâng cấp thị trấn. Song song đó huyện cũng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe ở các khu vực ven sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, đập Thị Tính, núi Cậu… để hình thành điểm du lịch mới cho tuyến du lịch ven sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, huyện cũng phát triển kết hợp các khu du lịch nghỉ dưỡng với các nhà vườn để khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng và các khu di tích lịch sử như rừng Kiến An, chiến khu Long Nguyên... khuyến khích người dân đầu tư phát triển loại hình du lịch Farmstay.

 HOÀNG LINH - TÚ BÌNH