Kinh tế hợp tác xã cần thêm nguồn vốn để phát triển

Thứ sáu, ngày 05/08/2022

(BDO) Các hợp tác xã (HTX) rất cần nguồn vốn để phát triển, mở rộng các dịch vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm cho lao động. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy vẫn còn một số những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ để tạo cơ hội, động lực cho các HTX phát triển.

 HTX Vận tải Bàu Bàng được hỗ trợ vay vốn đầu tư phương tiện mới, hoạt động hiệu quả

 “Đòn bẩy” sản xuất

HTX Vận tải Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng được thành lập năm 2015, hiện có 15 thành viên, kinh doanh vận tải đường bộ. Từ 2 đầu xe, đến nay, HTX đã phát triển lên 20 đầu xe và thời gian tới chuẩn bị đầu tư thêm 2 - 3 đầu xe để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Mai Quốc Phong, Giám đốc HTX cho biết: “Thời gian đầu đi vào hoạt động, HTX còn gặp nhiều khó khăn về thị trường. Khi nguồn khách hàng tăng lên, được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ cho vay từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT) để đầu tư thêm phương tiện vận tải, giúp HTX mở rộng thị trường, đáp ứng được các hợp đồng. Đầu tư một chiếc xe hơn 3 tỷ đồng, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ nguồn vốn trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX còn tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng để tăng thêm đầu xe”. Theo ông Mai Quốc Phong, các nguồn vốn vay hỗ trợ đã “tiếp sức” cho HTX phát triển, kinh doanh hiệu quả với doanh thu đạt 10 tỷ đồng/ năm, tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động.

HTX Nông nghiệp Bình Dương, xã Phước Sang, huyện Phú Giáo cũng là đơn vị được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển hoạt động SXKD. HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm như: Na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim, chà là Trung Đông... theo công nghệ cao khép kín. Riêng 2 sản phẩm na dứa Đài Loan, vú sữa Hoàng Kim đã đạt VietGAP và đang tham dự chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022.

Ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương, chia sẻ: “HTX hầu như tiếp cận được tất cả các nguồn vốn ưu đãi. Vay để trang bị phương tiện phục vụ sản xuất được hỗ trợ rất nhanh. Đến nay HTX đã trả được hết tiền gốc lẫn lãi. Để tiếp cận được các nguồn vốn vay, HTX tìm tòi cách làm thủ tục, hồ sơ phù hợp, mặt khác nhờ sự hỗ trợ tối đa của Liên minh HTX tỉnh”.

Cần tháo gỡ “điểm nghẽn” về vốn

Hàng năm, số lượng các HTX tăng mạnh và nhu cầu đầu tư, mở rộng SXKD từ đó tăng theo. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều địa phương, các HTX khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do còn hạn chế trong quản trị điều hành, năng lực tổ chức hoạt động, quản lý vốn còn yếu. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại chưa nhiệt tình trong việc tạo điều kiện cho các HTX vay vốn, thủ tục vay vốn phức tạp…

So với vay vốn từ các ngân hàng thương mại, nhiều HTX cho rằng thủ tục vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT nhanh gọn, đơn giản hơn, lãi suất thấp. Song thực tế nguồn vốn đáp ứng của Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT khá eo hẹp. Chia sẻ quan điểm về nguồn vốn vay, ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Dương, cho rằng vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT lãi suất quá tốt. Tuy nhiên, vốn vay để phát triển nông nghiệp thường vay trên sổ đất, giá cho vay định mức theo khung của Nhà nước, không theo giá của thị trường tại thời điểm đó nên tỷ lệ giải ngân quá thấp. Nhiều HTX không xoay được dòng vốn.

Có thể khẳng định, Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT đang trở thành một kênh vốn hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ tín dụng đối với kinh tế HTX. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, việc cho vay nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhằm giúp HTX tận dụng được các cơ hội để phát triển bền vững.

Mặt khác, để tiếp cận thêm được nhiều nguồn vốn vay, các HTX phải tạo được lòng tin, thuyết phục được các tổ chức tín dụng bằng phương án SXKD khả thi, hiệu quả. Muốn vậy, HTX phải thiết lập cơ chế mới, nâng cao năng lực quản trị. Song song đó, HTX cần thực hiện mối liên kết với doanh nghiệp để hình thành các chuỗi sản xuất hàng hóa bền vững.

 Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh đã thẩm định, xét duyệt, giải ngân vốn vay cho 11 phương án sản xuất, kinh doanh của 8 HTX và 3 thành viên với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Hiện tại với việc thành lập Đề án Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bình Dương (tên cũ: Quỹ hỗ trợ phát triển KTTT) với vốn điều lệ bổ sung là 80 tỷ đồng, nâng tổng số vốn điều lệ của quỹ lên 150 tỷ đồng sẽ là điều kiện, cơ hội để góp phần giải quyết khó khăn về vốn tại nhiều HTX trên địa bàn.

 TIẾN HẠNH