Kinh tế Dầu Tiếng khởi sắc
(BDO) Đi lên từ huyện thuần nông nghèo khó nhưng Dầu Tiếng sớm xác định được thế mạnh, nỗ lực phát triển đa dạng các ngành nghề. Nhờ đó kinh tế địa phương đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được nâng cao.
Mở lối phát triển
Nhắc đến Dầu Tiếng có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến nông nghiệp, đến những rừng cao su bạt ngàn. Thực tế, giờ đây Dầu Tiếng vẫn xác định cây cao su là loại cây trồng chủ lực với diện tích lên đến 50.000 ha, tuy nhiên diện tích cây cao su trong những năm gần đây giảm dần, thay vào đó là những loại cây trồng khác, như cây ăn trái với diện tích 615 ha. Đến nay, toàn huyện có 214 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; ước tổng đàn gia súc lên đến gần 88.000 con và 116.000m2 diện tích nuôi trồng thủy sản. Điều này cho thấy Dầu Tiếng rất năng động trong việc đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, chứ không chỉ trông đợi vào nguồn thu nhập chính từ những dòng “vàng trắng”.
Điều đáng mừng là giờ đây Dầu Tiếng không chỉ phát triển kinh tế dựa vào nông nghiệp như thời gian trước. Kinh tế toàn huyện trong những năm gần đây có mức tăng trưởng ổn định, tổng giá trị sản xuất trong huyện (GRDP) bình quân tăng khoảng 10%/năm; cơ cấu kinh tế đã có những chuyển biến rõ nét khi giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đã chiếm 37,42%, thương mại - dịch vụ 32,38%, nông nghiệp 30,2%. Như vậy, kinh tế huyện Dầu Tiếng đã chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đến nay đã đạt 45,5 triệu đồng. Tuy còn khá khiêm tốn so với toàn tỉnh nhưng đã là khá cao đối với khu vực nông thôn.
Kinh tế của huyện Dầu Tiếng có nhiều khởi sắc. Trong ảnh: Nhiều gia đình nông dân ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng khá lên nhờ mô hình trồng cây măng cụt. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Cụm công nghiệp Thanh An đi vào hoạt động từ tháng 3-2016 đến nay đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 người lao động. Bên cạnh đó, huyện cũng thu hút được nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp An Lập với quy mô 75 ha. Ngoài ra, Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng thêm về phía xã Long Tân với diện tích lên đến 969 ha. Dầu Tiếng cũng đã bổ sung mới 4 cụm công nghiệp Thanh An 2, Định Hiệp 1, Định Hiệp 2 và An Lập 2 vào quy hoạch của huyện. Như vậy, khi các dự án hoàn thành, nhà đầu tư sẽ đến với Dầu Tiếng phát triển sản xuất công nghiệp ngày càng nhiều. Đây là một đòn bẩy khá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà trong tương lai gần.
Ngày càng vững mạnh
Một trong những kết quả nổi bật của huyện Dầu Tiếng trong thời gian qua là công tác quy hoạch, quản lý đô thị, giao thông và đầu tư xây dựng cơ bản đạt kết quả tốt. Trong thời gian qua, huyện đã tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo Chương trình số 19 của Huyện ủy Dầu Tiếng về phát triển đô thị. Từ năm 2016 đến nay, Dầu Tiếng đã thực hiện vận động nhân dân cùng với Nhà nước làm đường bê tông xi măng, bê tông nhựa các khu phố. Riêng thị trấn Dầu Tiếng đã làm được 45 tuyến đường với chiều dài 8,7km, tổng kinh phí 13,9 tỷ đồng, qua đó từng bước làm thay đổi diện mạo đô thị trung tâm của huyện Dầu Tiếng.
Trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình hành động về phát triển đô thị, phát triển du lịch cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, phát triển các cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Huyện cũng sẽ triển khai đồng bộ, lồng ghép các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch huyện Dầu Tiếng và quyết tâm triển khai thành công đề án phát triển vùng du lịch chuyên canh ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền với kế hoạch phát triển đô thị Dầu Tiếng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành này, vận động người nông dân liên kết, hợp tác với nhau trong quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát triển du lịch sinh thái, xây dựng nông thôn mới. Song song với phát triển kinh tế, huyện cũng luôn chăm lo chính sách an sinh xã hội. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, huyện cũng sẽ vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng, nhất là người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Đến nay 9/12 xã, thị trấn trong toàn huyện Dầu Tiếng đã có chợ. Toàn huyện phát triển được 5.853 hộ kinh doanh cá thể, qua đó góp phần bảo đảm hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn phát triển ổn định, đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Huyện cũng đã liên kết xây dựng các tour du lịch phong phú, đa dạng để phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng 3 bến thủy với tổng kinh phí 630 triệu đồng, tạo điều kiện cho các tàu du lịch cập bến đưa khách tham quan theo dọc tuyến sông Sài Gòn.
KHÁNH VINH