Kinh tế công nghiệp: Tiếp tục gỡ khó, nắm bắt cơ hội phát triển!
Trong 2 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp (CN) của Bình Dương ước thực hiện gần 30.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so cùng kỳ. Nhìn chung, tình hình kinh tế đã dần hồi phục, mở ra nhiều cơ hội phát triển. Sự đồng hành của các cấp, các ngành cùng doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội là điều đáng ghi nhận.
Công nghiệp Bình Dương tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định. Trong ảnh: Đường vào KCN VSIP 1
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn
Nhờ những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường đầu tư và cơ hội kinh doanh của DN tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, từ những chính sách “giải cứu” nền kinh tế của Chính phủ như giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch, dự trữ ngoại hối tăng và tỷ giá ổn định, tái cơ cấu bước đầu có kết quả tốt.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung: Tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định SXKD
Các ngành, các cấp tập trung triển khai thực hiện thể chế pháp lý, cố gắng đạt tính công khai, minh bạch, sát thực, kịp thời, năng động hơn. Rà soát lại bộ thủ tục hành chính cấp tỉnh xem thủ tục nào rườm rà, khó khăn cho DN, người dân thì xem xét kiến nghị bãi bỏ. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho DN, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Các cấp, ngành kịp thời cung cấp thông tin, chính sách, pháp luật mới đối với các DN một cách đồng bộ. Đặc biệt quan tâm tổ chức kênh đối thoại trực tiếp đối với DN, vì đây là một kênh đưa văn bản đến nhà đầu tư một cách trực tiếp, nhằm giải thích kịp thời, đầy đủ cho nhà đầu tư. Đồng thời, giúp DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định SXKD, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tại Bình Dương, trên nền tảng sáng sủa của kinh tế vĩ mô Việt Nam, UBND tỉnh, các cơ quan, ban ngành đã luôn kiên trì, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN. Ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế cho biết: “Từ năm 2012 đến nay, Bình Dương đã giảm thiểu đầu mối kê khai thuế, hiện có 11.000 trên tổng số 12.000 DN kê khai qua mạng, nộp thuế qua ngân hàng nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại cho DN. Năm 2013, Cục Thuế đã giải quyết 4.000 hồ sơ hoàn thuế của DN với số tiền 9.000 tỷ đồng”. Hải quan Bình Dương cho biết đang triển khai dịch vụ hải quan điện tử tự động tính thuế, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi được xếp hạng thứ 5 trong 63 tỉnh, thành. Ngành công thương cho biết, năm 2013, đã tổ chức làm việc với hơn 60 DN và 6 hiệp hội, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để DN ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Năm 2014 được nhận định có những thuận lợi, song ngành CN Bình Dương vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Thị trường trong, ngoài nước đều có xu hướng yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, song khả năng cạnh tranh của DN trong nước còn kém, tính đột phá thấp.
Nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức
Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tại cuộc họp bàn giải pháp nâng cao năng lực hội nhập và cạnh tranh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung tiếp tục chỉ đạo: “Các ngành, địa phương tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là về thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, đầu tư... chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), chuẩn bị các điều kiện để thu hút mạnh vốn đầu tư và khai thác có hiệu quả các cơ hội, các ưu đãi để mở rộng thị trường xuất khẩu”.
Các DN cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, tạo cơ hội mở rộng giao thương. Để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, ngành công thương tiếp tục triển khai chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, đặc biệt là chương trình đổi mới công nghệ, tái cấu trúc DN, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu cho nhiều đơn vị thụ hưởng hơn. Để giải quyết vốn cho DN, Chính phủ, cũng như UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành ngân hàng rà soát, phân loại cơ cấu nợ vay và các khoản nợ xấu để xử lý phù hợp, ưu tiên vốn tín dụng cho ngành CN có hàm lượng chất xám cao, DN nhỏ và vừa, CN hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, Chính phủ, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho DN những bước đi cơ bản. “Vai” chính trong “kịch bản” phát triển kinh tế CN vẫn là các DN. Để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, các DN cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và mở rộng thị trường. Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo chiến lược kinh doanh phù hợp, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững, nói “không” với đầu tư dàn trải, mạo hiểm, nhằm củng cố nguồn lực tài chính, phát triển DN theo phương châm “liệu cơm gắp mắm”, “ăn chắc mặc bền”!
BẢO ANH