Kinh tế Bình Dương: Thành công từ những bứt phá ngoạn mục
Một góc Khu công nghiệp- đô thị Mỹ Phước (Bến Cát)Những năm qua, kinh tế (KT) Bình Dương có những bứt phá ngoạn mục để trở thành một trong những tỉnh, thành có tốc độ phát triển KT cao nhất nước, trong đó đặc biệt vượt trội là lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng các khu công nghiệp hoàn chỉnh, xuất khẩu và thu hút đầu tư...
Công nghiệp đi đầu
Có về Bình Dương hôm nay mới cảm nhận được bức tranh công nghiệp của tỉnh đang thay đổi mạnh mẽ. Nào điện, đường, các khu công nghiệp (KCN) hoàn chỉnh và quy mô lớn... tất cả đang nói lên một sức sống mãnh liệt của một tỉnh công nghiệp phát triển. Hãy đến và “nhìn” tận nơi mới hiểu được vì sao mà Bình Dương được nhắc đến nhiều trên bản đồ KT Việt Nam.
KT của tỉnh trong nhiều năm qua tăng trưởng với tốc độ cao và toàn diện, luôn giữ mức tăng trưởng GDP hàng năm trên 15% và cơ cấu KT luôn chuyển dịch nhanh theo hướng phát triển mạnh công nghiệp. Đến nay công nghiệp của tỉnh chiếm đến 63% trong cơ cấu KT; riêng trong 7 tháng đầu năm 2010 này, giá trị sản xuất công nghiệp đạt đến 54.912 tỷ đồng, tăng 18,8% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, bức tranh công nghiệp cũng xán lạn với các doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển, nhiều đơn vị đổi mới thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, ký được đơn hàng, nhất là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Từ kết quả này, UBND tỉnh cho rằng, dự kiến năm 2010 Bình Dương sẽ tiếp tục đạt giá trị sản xuất công nghiệp lên đến khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng 20,1% so với năm 2009.
Điều dễ dàng nhận thấy trong quá trình phát triển công nghiệp, Bình Dương đã chú trọng đến việc huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN làm nền tảng. Nhớ lại, trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, toàn tỉnh chỉ có KCN Sóng Thần I do Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ đầu tư ra đời. Thế nhưng thành công lại nối tiếp thành công, theo sau KCN Sóng Thần I, một loạt các KCN trên địa bàn tỉnh ra đời như Sóng Thần II, VSIP, các KCN Mỹ Phước, Việt Hương, Bình Đường, Tân Đông Hiệp A, Tân Đông Hiệp B, Đồng An, Nam Tân Uyên... Đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN tập trung với tổng diện tích 8.979 ha được trải rộng ở nhiều huyện, thị. Trong đó có 24 KCN đã đi vào hoạt động; hơn 60% trong số KCN này có tỷ lệ cho thuê đất đạt từ 80 - 100%. Sự hoàn thiện của các KCN đã tạo điều kiện thu hút đầu tư tăng lên nhanh chóng, đến nay các KCN đã thu hút hơn 1.200 DN trong và ngoài nước đầu tư, góp phần đưa công nghiệp phát triển nhanh theo hướng bền vững.
Xuất khẩu, đầu tư tăng nhanh
Trong bức tranh KT, lĩnh vực quan trọng là xuất khẩu và thu hút đầu tư luôn gặt hái nhiều thành công lớn. Với kim ngạch hơn 8 tỷ USD/năm hiện nay và mức tăng trưởng khả quan từ 22 - 30%/năm, xuất khẩu của Bình Dương đã góp phần quan trọng cho nền KT quốc dân. Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 5 năm qua xuất khẩu của tỉnh tăng khả quan và bình quân đến 22,9%/năm; riêng năm 2010 này, xuất khẩu của tỉnh tiếp tục gia tăng theo hướng ổn định và bền vững với kim ngạch khoảng hơn 8,5 tỷ USD. Điểm nổi bật từ xuất khẩu là ngày còn có thêm nhiều thị trường mới, đến nay Bình Dương đã xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó đã xây dựng được thương hiệu Bình Dương với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm diễn ra nhanh và đa dạng, số lượng và chủng loại sản phẩm cũng được nâng lên đáng kể, chuyển biến theo hướng tích cực, bên cạnh các sản phẩm truyền thống lâu nay như thủ công mỹ nghệ, cao su, gỗ, các sản phẩm từ nông - lâm - thủy sản, xuất khẩu của tỉnh trong những năm gần đây có thêm nhiều ngành hàng mới có hàm lượng chất xám và năng lực cạnh tranh cao đã tham gia xuất khẩu đạt kết quả tốt như điện tử, phụ tùng ô tô, linh kiện phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp...
Sản phẩm công nghiệp Bình Dương phát triển nhanh theo hướng công ngệ cao
Cùng với xuất khẩu, trong lĩnh vực thu hút đầu tư, “trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư” được Bình Dương tiếp tục thực hiện có hiệu quả. Bằng hạ tầng công nghiệp hoàn chỉnh, chính sách đầu tư thông thoáng, cơ chế thủ tục nhanh gọn... sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cho các nhà đầu tư. Nhờ vậy đến nay, tỉnh đã thu hút 9.012 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 60.723 đồng và 1.966 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký hơn 13,3 tỷ USD của DN đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nét mới trong thu hút đầu tư nước ngoài là ngày còn có nhiều dự án lớn như dự án sản xuất vỏ xe của Tập đoàn Kumho Asiana có tổng vốn đầu tư 360 triệu USD, dự án sản xuất bao bì cao cấp của Tập đoàn SCG Siam Cement đầu tư giai đoạn một 140 triệu USD, dự án Khu đô thị sinh thái Mỹ Phước do SP Setia Berhad (Malaysia) và Becamex IDC hợp tác đầu tư với vốn 620 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất nước giải khát của Kirin Acecook Việt Nam có vốn 60 triệu USD... Việc thu hút đầu tư nước ngoài mạnh là tín hiệu vui vì thành phần kinh tế này góp phần vô cùng quan trọng vào quá trình phát triển KT của tỉnh nhà cũng như tạo ra giá trị công nghiệp cao. Hơn nữa, xu hướng gia tăng vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh tốt được các DN nước ngoài chú trọng. Điều này rất hợp với chủ trương và định hướng quy hoạch, phát triển công nghiệp bền vững của Bình Dương.
Hiệu quả từ hướng đi đúng
Thành công về KT của Bình Dương là kết quả tất yếu của một quá trình phấn đấu. Từ việc phát huy lợi thế và xác định đúng đắn chiến lược, chỉ sau một thời gian ngắn, Bình Dương có thể tự hào với một nền công nghiệp sản xuất hàng hóa mạnh và bền vững. Nguyên nhân làm nên sự thành công này chính là sự nỗ lực to lớn của chính quyền tỉnh trong việc phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi” để đưa KT phát triển mạnh mẽ. Không chỉ khoanh tay chờ các nhà đầu tư tự đến với mình, Bình Dương còn mạnh dạn chớp lấy thời cơ phát triển KCN nhằm khai thác yếu tố thuận lợi về địa lý. Bên cạnh đó, một yếu tố hết sức quan trọng và đáng trân trọng đó là sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong việc biến những gì gọi là tiềm năng thành hiện thực, vì dân giàu nước mạnh. Cụ thể trong công cuộc đổi mới này, nhân dân Bình Dương cũng biết nhìn xa trông rộng, đồng lòng góp phần trong quy hoạch để tạo nên những KCN bề thế làm động lực phát triển KT, tạo môi trường thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp...
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Dương đang triển khai nhiều công trình quan trọng như thành phố mới Bình Dương, đường Mỹ Phước - Tân Vạn... Với tiền đề khả quan và sự chuẩn bị chu đáo, cùng sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, có thể tin tưởng rằng chắc chắn Bình Dương sẽ xứng tầm của một thành thành phố công nghiệp trong thời gian không xa nữa.
TRỌNG MINH