Kinh tế Bình Dương sẽ tiếp tục gặt hái thành công

Thứ năm, ngày 02/01/2025

(BDO) Đó là nhận định chung của lãnh đạo các ngành, chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2025. Các ý kiến cho rằng, với kết quả kinh tế đạt được trong năm 2024, cùng với sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, Bình Dương sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong năm nay.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, năm 2024, Bình Dương vẫn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, Bình Dương vượt qua Hà Nội để vươn lên thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI, với hơn 42,4 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đã rót vốn tăng thêm, khẳng định niềm tin của doanh nghiệp (DN) FDI đối với môi trường đầu tư của tỉnh.

Năm 2025, Bình Dương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển, trong đó xác định thu hút vốn FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại. Bình Dương đang tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới; tiếp tục hoàn thành gần 200km đường vành đai, cao tốc kết nối vùng. Song song đó, Bình Dương sẽ hình thành vành đai công nghiệp với quy mô trên 20.000 ha… Đây được dự báo sẽ là động lực thu hút dòng vốn FDI vào tỉnh trong năm 2025 và những năm tới.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương: Trong năm 2025, chúng ta nên cân nhắc đủ cả 3 lực đẩy là tiêu dùng, đầu tư của DN và đầu tư công. Với những tuyên bố mạnh mẽ gần đây của các cấp lãnh đạo trong tỉnh, đầu tư công sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2025. Đầu tư của DN, bao gồm cả DN FDI, dựa trên cơ sở triển vọng của thị trường. Thị trường Hoa Kỳ - thị trường chính cho hàng xuất khẩu của Bình Dương - hiện rất khó lường cho đến khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20-1 và chính thức đưa ra các chính sách của ông ấy. Hiện mọi tín hiệu cho thấy Việt Nam chưa bị đưa vào cùng nhóm bị đánh thuế cao như Trung Quốc, Mexico và Canada trong năm 2025...

Bên cạnh tiềm năng lợi thế, các DN trong tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, như áp lực hạ tầng giao thông, liên kết vùng, an sinh xã hội, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Sẽ rất đáng tiếc nếu chúng ta không tận dụng được lợi thế của hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ trong năm 2025 so với hàng Trung Quốc.

Bình Dương chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao trong giai đoạn phát triển mới. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH URC Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I). Ảnh: NGỌC THANH

Ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương: Năm 2025, chúng tôi nhận thấy những tín hiệu sáng hơn về thị trường đối với ngành gốm sứ xuất khẩu. Chúng tôi đang nỗ lực học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ trong và ngoài nước, chú trọng đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm gốm sứ Bình Dương. Tích cực tuyên truyền và hỗ trợ các DN trong hiệp hội chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, vừa bảo đảm xanh hóa làng nghề vừa ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Chúng tôi mong muốn các DN trong hiệp hội tiếp tục cải tiến quy trình vận hành, áp dụng tự động hóa dây chuyền công nghệ hiện hữu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế rủi ro cho người vận hành. Song song với việc phát triển, hiệp hội cũng bảo tồn văn hóa nghề gốm, phục vụ cho tham quan, du lịch.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương: Ngành dệt may đã và đang trải qua những biến đổi lớn trong bối cảnh thị trường toàn cầu. Năm 2025, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn đã đặt ra nhiều thách thức cho DN Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu về phát triển bền vững và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tạo ra những cơ hội mới cho ngành. Các DN trong ngành đã bắt đầu áp dụng các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý nước thải hiệu quả và sử dụng nguyên liệu tái chế. Yêu cầu từ các đối tác quốc tế về tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) và LEED (Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường) đang thúc đẩy các DN phải nhanh chóng thích ứng. Đây là cơ hội để các DN dệt may trong nước nâng cao vị thế cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là thách thức khi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư và cải tiến công nghệ.

Ngành dệt may cũng đang đứng trước những thách thức lớn về chi phí lao động và sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, với những lợi thế về vị trí địa lý, khả năng thích ứng nhanh với xu hướng phát triển bền vững, ngành dệt may vẫn có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư và duy trì vị thế trên thị trường toàn cầu. Chúng tôi xác định thích ứng nhanh chóng với các yêu cầu của thị trường và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như sản xuất vải, công nghệ số sẽ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của ngành dệt may Bình Dương trong tương lai.

Ông Nagato Takahiko, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Bình Dương: Bình Dương là địa phương được DN Nhật Bản lựa chọn đầu tư nhiều vào lĩnh vực công nghiệp. Các DN Nhật Bản đầu tư ở Bình Dương luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển. Cộng đồng DN Nhật Bản luôn tin tưởng chính sách phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh, tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Bình Dương.

Hiện tại, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh có 1.050 DN, trong đó có hơn 160 DN tại Chi hội Bình Dương. Bình Dương luôn là điểm đến nghiên cứu đầu tiên đối với các DN Nhật Bản khi lần đầu nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam. Với tình hình phát triển vượt bậc của tỉnh, tôi tin rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN lớn chuyển hướng đầu tư tại Bình Dương.

Ông Tạ Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn công nghiệp Thái Dương - Chi nhánh Giày TaiYang: Thời gian qua, công ty chúng tôi đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thực thi để mở rộng giao thương quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng tôi đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, cùng với nhiều giải pháp linh hoạt thích ứng. Đến cuối năm 2024, công ty chúng tôi sản xuất và tiêu thụ hơn 5 triệu đôi giày, dép trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Năm 2025, với chất lượng và thương hiệu đã xây dựng, chúng tôi tin tưởng sẽ có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu mới. Công ty cũng chú trọng thị trường nội địa, tập trung tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới, kỳ vọng năm 2025 sẽ tăng trưởng cao hơn.

Ông Oh Dongkun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Becamex Tokyu: Các dự án của công ty chúng tôi tại Bình Dương sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia các dự án phát triển mạng lưới giao thông kết nối với TP.Hồ Chí Minh, phát triển đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm)... Công ty đã không ngừng nghiên cứu các hệ thống giao thông mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, chẳng hạn như thúc đẩy chuyển đổi phương thức giao thông trong dự án xe buýt đô thị, nghiên cứu thử nghiệm xe điện tự hành... Công ty cũng đang thử nghiệm hệ sinh thái tuần hoàn không phát thải tại các cơ sở thương mại; đã đưa vào sử dụng hệ thống điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng tại các trung tâm mua sắm của chúng tôi dưới sự tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản, tạo sự bền vững cho môi trường.

NGỌC THANH - TIỂU MY