Kinh tế Bình Dương sau 8 năm Việt Nam gia nhập WTO: Sôi động thị trường bán lẻ

Thứ sáu, ngày 07/11/2014

> Kỳ 1: Cải thiện đầu tư, gia tăng xuất khẩu

(BDO)  Kỳ 2: Sôi động thị trường bán lẻ

 Bên cạnh tạo động lực cải thiện môi trường đầu tư, gia tăng xuất khẩu…, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) còn tác động mạnh đến thị trường bán lẻ trong nước. Lĩnh vực này trở nên sôi động hơn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư xây dựng siêu thị (ST), trung tâm thương mại (TTTM). Qua đó tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và đem đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng khi chất lượng hàng hóa, cung cách phục vụ, dịch vụ đi kèm… ngày càng được nâng cao.

 

Nguồn vốn FDI đầu tư mạnh vào thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary thu hút đông đảo người dân đến mua sắm, vui chơi, giải trí. Ảnh: T.BÌNH


 Vốn “chảy” mạnh vào thị trường bán lẻ

Theo lộ trình cam kết của Việt Nam với WTO, kể từ ngày 1-1-2009, Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bán lẻ cho các DN 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ đó đến nay, đầu tư của các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Sự tham gia từ nguồn vốn FDI vào lĩnh vực này đã góp phần đáp ứng tốt nhu cầu hàng hóa cho nhân dân và các thành phần kinh tế; đồng thời góp phần tạo ra cú hích cho lĩnh vực tiêu dùng phát triển nhanh. Hơn 5 năm qua nhiều tập đoàn bán lẻ đến từ Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Singapore… đã đầu tư mạnh vào Việt Nam và phát triển thành chuỗi bán lẻ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Trong tình hình chung đó, Bình Dương với dân số hơn 1,7 triệu dân, gần 18.000 DN trong và ngoài nước, thị trường có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gần 100.000 tỷ đồng/ năm, cộng với sức mua trẻ… nên được các nhà bán lẻ nước ngoài đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, cùng các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương được các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đánh giá cao và là nơi được họ chọn lựa đầu tư xây dựng ST, TTTM. Nhờ đó chỉ trong thời gian ngắn, hệ thống ST, TTTM tại Bình Dương phát triển nhanh chóng về số lượng lẫn quy mô với sự góp mặt của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới.

Khởi đầu từ nguồn vốn FDI, ngay sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, Tập đoàn Metro Cash & Carry đã nhanh chân đầu tư vào Bình Dương. Tháng 11-2010, Metro Cash & Carry đã khai trương ST Metro Bình Dương với hạ tầng hiện đại trên diện tích hơn 2 ha. Sau Metro Cash & Carry, Tập đoàn Big C đã đưa vào hoạt động ST tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Dĩ An. Không chậm chân, cuối năm 2013 Tập đoàn Lotte, nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động TTTM Lotte Mart tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An. Đây là TTTM thứ 5 tại Việt Nam của Lotte với quy mô xây dựng trên diện tích hơn 2,1 ha với tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD. TTTM Lotte Mart tích hợp các tiện ích cao cấp như rạp chiếu phim quốc tế, khu vui chơi giải trí, bowling, mua sắm, siêu thị, dịch vụ ẩm thực... 

 Siêu thị Lotte Bình Dương (TX.Thuận An) với nguồn đầu tư từ Hàn Quốc góp phần tạo thêm sự sôi động của thị trường bán lẻ tại Bình Dương Ảnh: K.T

Cùng với các nhà đầu tư khác, Công ty TNHH Aeon Việt Nam vừa khai trương Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary tại TX.Thuận An. Đây là trung tâm mua sắm thứ 2 của Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đầu tư tại Việt Nam được khai trương. Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary thuộc loại lớn nhất trong khu vực với vốn đầu tư 95 triệu USD, quy mô xây dựng 6,2 ha với diện tích sàn 70.000m2. Đây là loại hình trung tâm mua sắm trọn gói với nhiều khu vui chơi, dịch vụ, nhà hàng… Bên trong trung tâm có Siêu thị bách hóa tổng hợp Aeon (GMS) và khoảng 150 gian hàng của các thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước. Đại diện Tập đoàn Aeon, cho biết Aeon sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “dịch chuyển sang châu Á”, theo đó tích cực triển khai các trung tâm mua sắm cũng như siêu thị bách hóa tổng hợp; đồng thời phối hợp với các loại hình dịch vụ, tài chính, cửa hàng chuyên doanh của tập đoàn để phát triển lâu dài tại Việt Nam.

DN đổi mới để hội nhập thành công

Phải khẳng định rằng, có thêm nhà đầu tư FDI vào lĩnh vực bán lẻ là có sự cạnh tranh. Tuy nhiên không phải như lo ngại ban đầu khi cho rằng có thêm nhà đầu tư FDI là chia nhỏ chiếc bánh thị phần hay làm suy yếu DN trong nước. Thực tế đã cho thấy, sự tham gia của nhà đầu tư FDI vào thị trường bán lẻ đã góp phần tác động tích cực để lĩnh vực này phát triển mạnh lên. Tại Bình Dương, cùng với các nhà đầu tư FDI, các ST và TTTM của DN trong nước vẫn ổn định và phát triển tốt với doanh thu tăng ổn định hàng năm trên hai con số như ST Vinatex, Co.opMart, CitiMart…

Theo đánh giá của Sở Công thương, sự tham gia của nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bán lẻ tại Bình Dương đã cùng với DN trong nước góp phần đưa xu hướng tiêu dùng gia tăng theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu mua sắm tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu vào dịp lễ, tết… Hơn nữa, với nhiều ST, TTTM đầu tư lớn từ nguồn vốn FDI sẽ tích hợp nhiều loại hình dịch vụ, sản phẩm để khách hàng lựa chọn cũng như có thể ăn uống, vui chơi giải trí khi đến mua sắm tại đây. Qua đó mang đến một sự lựa chọn mới cho người tiêu dùng cũng như được mua sắm và vui chơi trong một không gian hiện đại và tiện lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mang lại tiện ích xã hội cho người dân Bình Dương và các vùng lân cận…

Có thể nói ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, mở cửa thị trường bán lẻ sau khi Việt Nam gia nhập WTO nhìn chung “được nhiều hơn mất”. Với sự tham gia phát triển nhanh ST, TTTM của DN FDI cùng các DN trong nước đã góp phần quan trọng cho thương mại - dịch vụ phát triển. Tại Bình Dương, ngoài những lợi ích mang lại như trên, mở cửa thị trường bán lẻ còn góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh trong 5 năm qua tăng bình quân 20 - 30%/năm; thu ngân sách từ lĩnh vực này cũng tăng lên mạnh mẽ. Hơn nữa, từ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN trong và ngoài nước, để tồn tại phát triển bền vững và thu hút khách hàng, việc tự hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ là việc các nhà đầu tư luôn tập trung chú trọng.

Trong cạnh tranh luôn có sự đào thải, nếu DN nào không tự thay đổi thì sẽ không tồn tại được. Chính vì vậy, tác động từ việc mở cửa thị trường bán lẻ vừa kích hoạt thị trường phát triển, vừa đem đến lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời qua đó giúp doanh nghiệp trong nước phải thay đổi để tiến lên trong hội nhập. (Còn tiếp)

 T. MINH