Kinh tế Bình Dương năm 2011: Vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định

Thứ sáu, ngày 25/11/2011

Công nghiệp giữ được mức tăng trưởng

Nếu nhìn vào chỉ tiêu đề ra đầu năm và kết quả đạt được trong cuối năm thì chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh còn phải tăng thêm khoảng 3% nữa mới đạt kế hoạch. Song, nhìn chung tất cả các ngành công nghiệp đều giữ được sự ổn định, có tăng trưởng dù không cao. Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước giá trị sản xuất công nghiệp của năm 2011 đạt 123.201 tỷ đồng, tăng 17,8% so với năm 2010. Trong đó, khu vực trong nước chiếm 32,6%, tăng 18,6%; khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 67,4%, tăng 17,3%. Một số ngành sản xuất tăng trưởng khá như giấy và sản phẩm từ giấy, hóa chất và sản phẩm từ hóa chất, chế biến gỗ, cao su, dệt may, thực phẩm và thiết bị điện...

Lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm ước thực hiện 59.367 tỷ đồng, tăng 30,5%. Việc bán hàng bình ổn giá cũng được triển khai đến nhiều siêu thị và hơn 80 điểm ở các xã nông thôn, khu cụm công nghiệp với tổng giá trị hàng hóa trên 600 tỷ đồng, giá bán thấp hơn từ 10 - 15% so với thị trường. Giá cả thị trường tương đối ổn định, không có đột biến, ước chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2011 tăng 17,17%. Các hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách ổn định và tăng trưởng mạnh, doanh thu ở lĩnh vực vận tải hàng hóa ước tăng 36,4%, vận tải hành khách ước tăng 93,5%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ 342 triệu USD, tăng 21,1%. Những mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn vẫn là cao su, điện tử, gỗ, dệt may và dày gia... Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9 tỷ 126 triệu USD, tăng 24,7%, chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi, song giá trị sản xuất của ngành này vẫn tăng 4,2%, đạt 2.800 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư vẫn khá

Theo kế hoạch đề ra của năm 2011 thì thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là trên 1 tỷ USD nhưng tính đến thời điểm đầu tháng 11-2011, Bình Dương thu hút đầu tư FDI được 841 triệu USD, trong đó có 72 dự án mới với số vốn 401 triệu USD và 108 dự án tăng vốn 440 triệu USD. Mặc dù không đạt kế hoạch nhưng so với nhiều địa phương khác trong cả nước thì Bình Dương vẫn nằm trong “Top” đầu. Con số hơn 800 triệu USD đó cũng là một kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 2.050 dự án FDI với tổng vốn 14,508 tỷ USD. Trong đó, các khu công nghiệp có 1.125 dự án, chiếm 55% và với số vốn 8,477 tỷ USD, chiếm 58%. Thu hút đầu tư trong nước cũng ghi nhận số vốn là 25.559 tỷ đồng, trong đó có 1.439 doanh nghiệp đăng ký mới (14.427 tỷ đồng) và 479 doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn (11.132 tỷ đồng). Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 13.139 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng vốn là 90.027 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp được tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải nên các nhà đầu tư vẫn tìm đến. Trong năm 2011, các khu công nghiệp đã giải quyết cho doanh nghiệp thuê đất với tổng diện tích 92 ha, hơn 14.000 lao động được giải quyết việc làm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích 9.000 ha, trong đó 24 khu đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lập kín bình quân đạt 60%. Có 8 cụm công nghiệp với tổng diện tích 593 ha, tỷ lệ lập kín khoảng 40%.

Bên cạnh đó, công tác đầu tư, quy hoạch xây dựng và đô thị cũng đạt được nhiều kết quả trong năm. Đó là thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; phân cấp trong đầu tư xây dựng cơ bản và từng bước đi vào nề nếp; khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Becamex; lập quy hoạch phát triển nhiều lĩnh vực theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy giai đoạn 2011-2015; lập phương án chia tách các huyện, thị... Dù khó khăn nhưng trong năm thu mới ngân sách ước 22.500 tỷ đồng, đạt 107 % dự toán của HĐND tỉnh. Việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cũng được triển khai sâu rộng nhằm tháo gỡ bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân với số tiền ước khoảng 1.500 tỷ đồng.

 

Năm 2011, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 14%, thu nhập nhập bình quân đầu người 36,9 triệu đồng, giá trị công nghiệp tăng 17,8%, nông nghiệp tăng 4,2%, dịch vụ tăng 26,4%, cơ cấu kinh tế với tỷ lệ công nghiệp (62,2%) - dịch vụ (33,7%) - nông nghiệp (4,1%), tỷ lệ các khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 96%, hơn 46.000 lao động được giải quyết việc làm...

 

K.TÂN