Kinh tế Bình Dương 7 tháng năm 2019: Điểm sáng xuất khẩu

Thứ tư, ngày 07/08/2019

(BDO) Cùng với quá trình phát triển công nghiệp, Bình Dương đã trở thành trung tâm xuất khẩu hàng hóa của khu vực và cả nước với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong bức tranh kinh tế của tỉnh từ đầu năm 2019 đến nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là một trong những điểm sáng.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH gỗ Tường Văn (Bắc Tân Uyên) Ảnh: XUÂN THI

 Xuất siêu 3,8 tỷ USD

Trong 7 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 15,56 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có mức tăng khá như sản phẩm bằng gỗ tăng 15,5%, hàng dệt may tăng 14,9%, giày dép tăng 12,5%, linh kiện điện tử tăng 12,6%... 7 tháng qua, tỉnh xuất siêu đạt 3,8 tỷ USD.

Ông Berend van Wel, Tổng Giám đốc Công ty Friesland Campina Việt Nam (TX. Thuận An), cho biết năm 2018 công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang 10 quốc gia. Năm qua, công ty xếp vào Sách xanh tỉnh Bình Dương. Từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động xuất khẩu của công ty ổn định và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục đổi mới, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.

 Theo các hiệp hội ngành hàng, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã có đơn hàng đến cuối năm. Điều này tạo cơ sở bảo đảm cho tỉnh hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm nay trên 15% so với năm 2018.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, để đạt được kết quả nói trên, ngoài việc lớn mạnh về quy mô cấu trúc doanh nghiệp, các ngành hàng trong tỉnh còn phát triển mạnh công nghệ và thiết bị sản xuất của các nước tiên tiến trên thế giới, nhờ đó nâng cao sản lượng, chất lượng, đáp ứng tốt đơn hàng của đối tác. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản xuất phụ liệu từ nguyên liệu trong nước nên chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, trong đó ngành giày dép, túi xách đã đầu tư rất mạnh để sản xuất nguyên phụ liệu nên giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu.

Qua quá trình phát triển, các doanh nghiệp may mặc, giày dép và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng được đội ngũ lao động lành nghề, có thể tạo được nhiều chủng loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao… Đây chính là những lợi thế mà các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy để nâng cao cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xuất khẩu gỗ tiếp tục dẫn đầu

Trong các ngành hàng chủ lực của Bình Dương, ngành gỗ vẫn là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong 7 tháng năm 2019 đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo dự báo của Sở Công thương, trong quý III-2019 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh tiếp tục tăng mạnh, do hoạt động xây dựng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực ngành này của tỉnh đang phát triển ổn định, cùng với đó là nhu cầu tu sửa, thay thế trang thiết bị nội thất tăng mạnh để phục vụ các ngày lễ, tết vào những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Lâm Việt, cho biết từ đầu năm 2019 đến nay công ty đạt mức tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện đơn hàng của công ty nhiều, với số lượng lớn. Năm nay công ty dự kiến xuất khẩu đạt 34 triệu USD.

Ông Liêm cho biết thêm, hiện ngành gỗ đang hướng tới đầu tư các công nghệ tự động, công nghệ 4.0, trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp có hạn. Vì thế, nếu có những hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước, nhất là lãi suất vốn vay trung và dài hạn doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều ngành xuất khẩu trong nước đang gặp những bất lợi do chưa chủ động hoàn toàn nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất. Cùng với đó, với năng lực hiện tại, các ngành giày da, may mặc và chế biến gỗ trong nước có những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia được thực thi. Song để bảo đảm phát triển ổn định, các ngành này cũng cần lưu ý đến việc bảo vệ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vì quyền lợi quốc gia, tránh rắc rối trong hoạt động ngoại thương khi có chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.

Năm 2019, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 15,5% so với năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5%. Triển khai nhiệm vụ năm 2019, Sở Công thương đề ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký thương hiệu sản phẩm tại các thị trường xuất khẩu.

Cùng với đó, sở sẽ đôn đốc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các công trình, dự án điện, trung tâm logistics, cảng thủy hàng hóa nội địa; các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt trọng điểm của tỉnh. Ngành cũng tích cực tham mưu cho tỉnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ xuất khẩu; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu và thu - hoàn thuế của doanh nghiệp…

 PHƯƠNG LÊ