“Kinh tế biển xanh” - định hướng phát triển bền vững

Thứ năm, ngày 26/05/2022

(BDO) Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”. Báo cáo này được đưa ra trong khuôn khổ “Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và Thích ứng với biến đổi khí hậu” giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Ngay sau khi báo cáo được thông qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thế giới đánh giá rằng đây là bước đi mang tính chiến lược, phù hợp với xu thế của Việt Nam.

Theo đó, báo cáo “Kinh tế biển xanh” là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về phát triển kinh tế biển. Việc sử dụng khái niệm “kinh tế biển xanh” và đưa ra các kịch bản phát triển kinh tế biển cho Việt Nam gồm 6 lĩnh vực kinh tế biển chủ chốt, như: Ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái đã giúp các bộ, ngành trực thuộc Chính phủ và các địa phương trên cả nước có thêm những tư liệu, luận cứ khoa học để xây dựng các đề án phát triển cụ thể.

Theo lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo, một số kịch bản phát triển kinh tế bền vững đến năm 2030 gần đây của các ngành, lĩnh vực và các địa phương đều có chung một khái niệm là “phát triển bền vững”, “tăng trưởng xanh”… đều tiệm cận và tương đồng với khái niệm kinh tế xanh. Trong bối cảnh sự phát triển kinh tế trên đất liền đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu chững lại vì nhiều nguyên nhân, các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp tục thể hiện sự ưu tiên và quan tâm của mình trong việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế biển. Những quốc gia có phương án phát triển kinh tế biển gắn liền với phương án bảo vệ môi trường, tái tạo năng lượng và có các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được gọi là chiến lược phát triển “kinh tế biển xanh”.

Sự phát triển thần tốc của nền kinh tế - xã hội và sự ổn định về an ninh - chính trị trong những năm qua đã và đang trực tiếp nâng dần vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Trong đó, những cam kết và hành động quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương trong nỗ lực giảm thải, chiến lược gìn giữ và bảo vệ môi trường, chiến lược tăng trưởng bền vững… được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. “Kinh tế biển xanh” dù mới chỉ là một bản báo cáo dựa trên các cơ sở nghiên cứu, khảo sát và định hướng căn bản dựa trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhưng đã nhận được sự hưởng ứng và đồng tình của người dân và bạn bè quốc tế. Tin rằng, đây sẽ là kịch bản mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp tổng thu nhập quốc nội (GDP), tổng thu nhập quốc dân (GNI) của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho cả nước nói chung và người dân hành nghề biển nói riêng.

KHÁNH LINH