Kinh tế báo chí: Con đường tất yếu để phát triển

Thứ bảy, ngày 20/06/2015

Tuy không phải là chủ đề chính tại Hội thảo “Báo Đảng địa phương với xu hướng truyền thông đa phương tiện” do Báo Bình Dương đăng cai tổ chức mới đây, nhưng đề tài “Kinh tế báo chí” đã được các đại biểu quan tâm thảo luận vì đây là vấn đề đặt ra cho Ban Biên tập các báo cùng tìm cách giải quyết để có điều kiện tiếp tục phục vụ bạn đọc và phát triển.

(BDO)

 

Các đại biểu tham gia Hội thảo “Báo Đảng địa phương và xu hướng truyền thông đa phương tiện” do Báo Bình Dương đăng cai tổ chức vừa qua. Ảnh: D.CHÍ

 Cạnh tranh đa chiều

Một thực tế tất yếu và cũng là vấn đề mà các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm nêu bật là báo chí nói chung trong đó có báo viết (báo giấy) đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tờ báo với nhau; giữa báo với truyền hình, với internet, đặc biệt là mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin.

Đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa ra hình ảnh minh họa: Trước đây, phóng viên báo chí với hình ảnh quen thuộc là áo ghilet nhiều túi căng phồng đựng đầy thiết bị điện tử chuyên dùng, trên người còn đeo lỉnh khỉnh máy ảnh, ống kính, thiết bị thu âm. Còn bây giờ, chỉ với chiếc điện thoại di động, người người có thể tham gia làm báo, nhà nhà có thể trở thành nhà báo với thông tin đa dạng, nhanh chóng… nhưng không bảo đảm tính chính xác vì không có người chịu trách nhiệm hay đứng ra bảo đảm cho các loại thông tin này.

Trong cái khó lại ló cái khôn, nhà báo Đoàn Như Viên, Tổng Biên tập Báo Bình Phước phân tích: Cùng với sự cạnh tranh khốc liệt thì công nghệ thông tin, internet đã mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để báo chí, truyền thông hoạt động phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có hướng đi thích hợp, tự đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Báo Bình Phước đã xác định “thời gian” là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh bằng cách đặt ra yêu cầu với phóng viên: 1 sự kiện, vấn đề từ lúc phát sinh đến khi về đến tòa soạn, lên mặt báo nhanh nhất là 45 phút, chậm nhất là 1 giờ 30 phút. Ban Biên tập sẵn sàng trả nhuận bút cao, thậm chí rất cao cho các thông tin nóng thu hút sự quan tâm của độc giả. Có như vậy người ta mới cộng tác, gắn bó với mình, bằng không họ cung cấp cho chỗ khác, mình mất cơ hội cạnh tranh!

Đồng tình với phân tích trên, lãnh đạo Báo Tây Ninh cho biết: Muốn được thù lao cao thì chất lượng thông tin phải cao, phải phong phú để tránh trùng lắp thông tin, mất đi tính hấp dẫn của báo chí. Điều này đòi hỏi người phóng viên phải đa năng, đa tài, cùng lúc làm được nhiều việc. Tại Báo Tây Ninh, hiện nay phóng viên báo điện tử thu nhập khá cao, trung bình 20 triệu đồng/người/tháng. Phần này cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Tây Ninh bao cấp hoàn toàn theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ.

Tái cơ cấu

Cụm từ này trở nên phổ biến trên báo chí kể từ khi nền kinh tế xuất hiện khó khăn, với nhiều thay đổi khó lường. Theo các nhà chuyên môn, là những người làm thông tin, các cơ quan báo chí cần phải suy nghĩ, tính toán để tái cơ cấu lại chính mình và tiếp tục phát triển trước các khó khăn như: Xu thế cạnh tranh thông tin ngày càng khốc liệt; số lượng bạn đọc sụt giảm; liên tục bị cắt giảm trợ cấp từ các cơ quan chủ quản…

Nhà báo Nguyễn Huy Thanh, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai nói: Trong bất kỳ môi trường nào, cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của tòa soạn. Cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phóng viên hành nghề.

Để báo chí tiếp tục phát triển trong tình hình mới thì yêu cầu tái cơ cấu lại bộ máy, trang bị hạ tầng kỹ thuật hợp lý là rất cần thiết. Nhưng theo lãnh đạo một số báo ở miền Đông Nam bộ, “do khó khăn về kinh phí nên chúng tôi phải vận dụng mọi khả năng sẵn có để hoàn thành nhiệm vụ”. Nhà báo Nguyễn Huy Thanh nhìn nhận: Phần lớn các ứng dụng của báo chí đa phương tiện đều được “lấy” nguồn từ Đài Phát thanh - Truyền hình hoặc một số kênh thông tin khác. Những tác phẩm báo chí đa phương tiện do chính phóng viên báo tự thực hiện còn ít, chủ yếu là những sự kiện lớn như Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp HĐND tỉnh, các lễ hội được tổ chức vào dịp lễ, Tết Nguyên đán…

Chỉ riêng Báo Sài Gòn Giải Phóng, là tờ báo Đảng ở một đô thị phát triển hạng đặc biệt, mấy năm trước đây Thành ủy TP.HCM đã mời lãnh đạo báo lên để giao nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng kết hợp với đào tạo và đào tạo lại đội ngũ phóng viên cho phù hợp với tình hình và điều kiện tác nghiệp mới. “Muốn hiện đại hóa hạ tầng thì phải có phần mềm lõi dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Công tác này phải do chính chúng ta xây dựng, vận hành chứ không thể mua vì cái gì cũng có 2 mặt của nó”, đại diện lãnh đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng nói.

Lấy bạn đọc làm trung tâm

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng so sánh: Trước đây, báo chí là kênh thông tin độc quyền nên độc giả không có quyền lựa chọn. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã tạo ra sự cạnh tranh và thách thức với báo chí trước nguồn thông tin đa chiều nhưng phải tiết kiệm. Như vậy, báo chí phải thực sự thay đổi để phục vụ bạn đọc và lấy bạn đọc làm trung tâm. Đối với báo Đảng, đây là vấn đề rất khó nhưng phải làm. Cuộc sống luôn có sự thay đổi, điều quan trọng là quản lý sự thay đổi đó như thế nào để không xảy ra xáo trộn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải rất “dũng cảm và quyết liệt”.

Chỉ ra yêu cầu “Lấy bạn đọc làm trung tâm”, nhà báo Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, chuyển từ báo giấy sang báo mạng (online) đã là cuộc cách mạng, nhưng số đông bạn đọc muốn chúng ta phải tiến thêm hơn nữa sang chế độ di động (mobile) thì lượng độc giả mới đông, doanh nghiệp mới tham gia quảng cáo. Đây chính là thách thức mà báo chí phải vượt qua để phát triển.

Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Báo Đảng là đứa con của Đảng

Trước khi làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tôi đã nhiều năm làm tổng biên tập một tờ báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ nên rất thông cảm, thấu hiểu về những khó khăn của các tờ báo. Tôi cũng rất vui mừng vì trước khó khăn như thế mà các tờ báo trong khu vực đã có những bước tiến rất đáng tự hào. Để giúp các tờ báo tiếp tục phát triển và làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta cần tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, bởi vì Báo Đảng chính là đứa con của Đảng.

 Ông Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương: Báo chí phải đổi mới để làm tốt nhiệm vụ của mình

Ngày 1-12-1976 tờ báo đầu tiên của tỉnh Bình Dương ra đời, đến nay đã có 7 cơ quan báo chí với đầy đủ các loại hình báo chí. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục khẳng định sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh không thể thiếu vai trò của báo chí. Các cơ quan báo chí trong tỉnh hầu hết đã bám sát tôn chỉ mục đích và làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền. Để làm tốt nhiệm vụ của mình, từng cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Viết cái gì, viết cho ai xem”.

 DUY CHÍ